Lên kế hoạch chi tiết
Cho đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh là một trong những đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tiên trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho hạng mục thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn tại 8 dự án PPP thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Đức Thanh |
Theo đó, PMU đường Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu lựa chọn nhà thầu tư vấn cho 2 gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, cắm cọc giải phóng mặt bằng và cọc lộ giới đường bộ cho Dự án Xây dựng đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (khoảng 35 tỷ đồng/gói) theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước; một giai đoạn hai túi hồ sơ ngay trong quý IV/2018. Ngoài 2 gói thầu nói trên, từ quý IV/2018 đến quý I/2019, PMU đường Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán; rà phá bom mìn theo hình thức chỉ định thầu.
Ông Lê Thanh Bình, Phó giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh cho biết, đây là một trong những đường găng tiến độ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết thúc sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Xây dựng đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào đầu quý II/2019.
Là một trong những dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông áp dụng hình thức PPP được Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi sớm nhất (tháng 10/2018), Dự án Xây dựng đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có mục tiêu xây dựng 49,11 km cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km đi qua các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm và TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Tổng mức đầu tư Dự án ở giai đoạn Báo cáo Nghiên cứu khả thi là 7.516 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư là 2.557 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia là 5.058 tỷ đồng.
Với mức phí khởi điểm 1.500 đồng/km/phương tiện loại 1, thời gian hoàn vốn khoảng 17 năm 9 tháng, quy mô đầu tư không quá lớn, Dự án Xây dựng đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư sau khi hồ sơ mời sơ tuyển được phê duyệt vào cuối tháng 3/2019.
Ngoài Dự án Xây dựng đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, tính đến ngày 25/11, Bộ GTVT đã nhận được kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho hạng mục thiết kế kỹ thuật của 2 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP khác là Dự án Xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Trước đó, trong công văn yêu cầu 8 đơn vị đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các PMU 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng biểu tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết các công việc trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ khởi công các dự án đầu tư công vào đầu năm 2019 và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP vào cuối năm 2019.
“Biểu tiến độ này phải lưu ý đối với các giai đoạn triển khai phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị làm cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện, đáp ứng tiến độ yêu cầu chung của toàn bộ dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Nhật yêu cầu.
Không lùi tiến độ
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt xong toàn bộ báo cáo nghiên cứu khả thi của 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, 2 dự án đầu tư công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn đang tiến hành đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 12/2018, thời gian thực hiện lập thiết kế kỹ thuật khoảng 6 tháng.
Dự kiến, 2 dự án đầu tư công Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn bắt đầu triển khai thi công trong quý I/2019, phần cầu dẫn cầu Mỹ Thuận 2 bắt đầu thi công trong quý II/2019, riêng phần cầu chính cầu Mỹ Thuận dự kiến thi công vào đầu năm 2020. Trong khi đó, với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, thời điểm thi công sẽ chậm hơn do có thêm giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.
Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (do địa phương tổ chức thực hiện), Bộ GTVT dự kiến bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương vào khoảng đầu năm 2019. Các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến, đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng. Toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành vào khoảng quý I/2020.
“Thời gian thực hiện theo quy định đối với các thủ tục nêu trên cần tối thiểu 15 tháng, do vậy các dự án đầu tư theo hình thức PPP dự kiến bắt đầu thi công vào khoảng đầu năm 2020 và cơ bản hoàn thành trong năm 2021. Bộ GTVT sẽ cố gắng về đích đúng tiến độ đối với dự án trọng điểm này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.