Quần nát đường đê để trốn phí
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thực chất là QL1 cũ, được nâng cấp, cải tạo lại nhưng không mở rộng. Chủ đầu tư - Công ty CP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang được Bộ GTVT cho phép “biến” con đường người dân đang đi thành một tuyến cao tốc bằng cách trải lại nhựa, lắp đặt một số biển báo rồi… thu phí. Bức xúc trước thực trạng này, nhiều lái xe ô tô đã tìm đường vòng để tránh trạm, từ đó dẫn đến cảnh xe lớn, xe nhỏ ngày đêm quần nát tuyến đê Phù Đổng, xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội).
Một lái xe cho biết: “Đường chỉ sửa lại, không rộng hơn, không thuận tiện hơn mà họ thu phí từ 35.000 - 200.000 đồng/lượt, y như làm mới. Lại sẵn nhiều đường vòng, dễ đi nên chúng tôi nhất quyết vòng qua trạm chứ không nộp phí”.
Ô tô nối nhau chạy trên đê Phù Đổng để trốn qua trạm thu phí. Ảnh: Ngọc Hải |
Trạm thu phí vốn được đặt tại Km 152+080 QL1, thuộc địa bàn xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Nhưng trên toàn bộ chiều dài 45,8km của tuyến đường có tới 28 điểm mở, trong đó, điểm đầu tại địa phận Hà Nội giáp ngay với tuyến đê Phù Đổng. Tuyến đê này vẽ một vòng cung qua Yên Viên ra Từ Sơn (Bắc Ninh) và mặc nhiên trở thành lối tắt vòng qua trạm thu phí.
Từ ngày 25/5 tới nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe từ Hà Nội đi Bắc Ninh, Bắc Giang đã rồng rắn nối nhau, men theo đê Phù Đổng để... trốn phí. Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết, đây là đoạn đê có mặt đường nhỏ, cơ đê yếu, hai ô tô tránh nhau đã khó, lại đi qua khu vực chợ trung tâm và đền Phù Đổng nên thường xuyên ách tắc. Ông Trần Xuân Tĩnh thông tin thêm: “Đoạn cuối đường đê này còn có một hầm chui nhỏ chỉ đi vừa một xe ô tô. Khi qua đây, các xe phải né nhau gây ùn ứ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt, đoạn đường này còn có 2 trường cấp I và II của xã Phù Đổng, rất may các cháu đang nghỉ Hè”.
Nhắm mắt làm cho xong?
Không chỉ có tình trạng xe lớn, xe nhỏ rồng rắn chạy qua đường đê, ngay chính trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, nhiều vấn đề khác cũng lần lượt phát sinh. Trong đó, dư luận quan tâm nhiều nhất là việc đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường này. Trước khi tiến hành thu phí, chính các cơ quan chức năng như Cục CSGT đã nêu ý kiến với Bộ GTVT: “Qua khảo sát thực tế, đường sau nâng cấp, cải tạo cơ bản chỉ đáp ứng vận tốc lưu thông tối đa 80km/giờ”.
Tương tự, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất: “Đường chỉ được trải thêm nhựa, không mở rộng, không bố trí thêm làn cho phương tiện, trong khi lượng phương tiện qua lại rất lớn. Do đó việc khai thác, sử dụng theo tiêu chuẩn cao tốc 100km/giờ là không hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT”. Cùng với đó là nhiều ý kiến, đề xuất của các Ban ATGT, Sở GTVT, UBND các tỉnh, TP liên quan. Tuy nhiên, phớt lờ tất cả, Bộ GTVT vẫn chấp nhận phương án cho lưu thông tối đa 100km/giờ trên tuyến đường này.
Khảo sát thực tế trên tuyến, chúng tôi còn nhận thấy rất nhiều bất cập khác. Ví như làn dừng khẩn cấp quá nhỏ, lại nằm phía trong cùng, ô tô muốn rẽ vào làn khẩn cấp phải cắt qua làn đường dành cho xe máy. Vốn việc lưu thông tốc độ cao, chung cả ô tô lẫn xe máy trên một mặt cắt không có dải phân cách đã là rất nguy hiểm, khi các phương tiện chuyển làn nguy cơ mất ATGT sẽ tăng cao gấp bội. Ngoài ra, theo phương án phân luồng của chủ đầu tư, mô tô, xe máy từ Hà Nội đi Bắc Ninh phải men theo đê Phù Đổng và một loạt đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ nhỏ dài đến 27km. Hướng ngược lại đi trên tỉnh lộ 259B, song tuyến đường này lại chưa nâng cấp, sửa chữa xong, không đảm bảo lưu thông. Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh Lê Ngọc Tuyển bức xúc: “Nhà đầu tư phân luồng cho xe máy, xe thô sơ của người dân đi vào các đường nông thôn, đường vòng quanh nhưng chính chủ đầu tư còn không tìm ra đường, không đi được thì sao bắt người dân phải đi”.
Cơ quan chức năng bối rối
Chạy một chuyến đi theo các lái xe qua đê Phù Đổng, sau đó, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với đại diện Đội Thanh tra GTVT huyện Gia Lâm. Vị này cho biết: “Mấy hôm nay anh em phải ra nắm tình hình, đếm lượt xe, nếu có ùn tắc thì hỗ trợ phân luồng, điều tiết. Nhưng Đội cũng chưa biết phải giải quyết thế nào”. Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho hay: “Hiện tuyến đường đê này không có biển cấm hay hạn chế tải trọng. Các phương tiện có quyền đi vào. Chúng tôi chỉ có thể theo dõi sát tình hình, báo cáo cấp trên chờ chỉ đạo chứ không thể ngăn được tình trạng này”.
Ngay khi diễn ra tình trạng trên, UBND xã Phù Đổng đã có văn bản báo cáo UBND huyện và Công an huyện Gia Lâm, đồng thời tổ chức phân luồng, hướng dẫn đảm bảo ATGT trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh nhận định: “Doanh nghiệp BOT lập trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhưng để "hổng" quá nhiều điểm giao cắt nhỏ nên mới dẫn đến tình trạng xe ô tô chạy vào đường nhánh để trốn phí”.
Trưởng Công an huyện Gia Lâm, Đại tá An Thanh Bình nói: “Việc xe ô tô trốn phí đi vào đường đê Phù Đổng mấy ngày qua đã gây xáo trộn cuộc sống người dân địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn vì đoạn đường này không có biển cấm trọng tải. Công an huyện Gia Lâm đã bố trí lực lượng phối hợp với Công an xã Phù Đổng tiến hành phân luồng, hướng dẫn đảm bảo ATGT”. Cũng theo Đại tá An Thanh Bình, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc. Nếu cần thiết thì Sở GTVT phải cho cắm biển cấm tải trọng, kích thước, tốc độ để hạn chế lượng phương tiện qua lại.