Ảnh minh họa |
Tận dụng tốt ưu đãi
Được lợi về thị trường và giá tăng, xuất khẩu sắt thép trong năm 2021 đã cán mốc 13,1 triệu tấn, trị giá 11,8 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và 124,3% về trị giá so với 2020.
Giá đã tăng ở hầu hết thị trường xuất khẩu của Việt Nam, bình quân đạt trên 901 USD/tấn, tăng 68,8% so với năm 2020. Lần đầu tiên, sắt thép đã góp mặt trong danh sách 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Trong 4 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành thép, EU là thị trường có mức tăng “khủng” cả về lượng lẫn trị giá; trong đó, lượng tăng 532% với 1,63 triệu tấn, nhưng đạt trị giá gần 1,9 tỷ USD, tăng 845% so với cùng kỳ.
Việc EVFTA đi vào thực thi từ tháng 8/2020 đã mở ra một con đường cao tốc cho thép Việt tiến sâu vào 27 thị trường thành viên EU, với sức bật không thể ngờ tới.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá, EVFTA đã hỗ trợ xuất khẩu nhiều nhóm mặt hàng sang thị trường EU, trong đó có mặt hàng sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép. Tăng trưởng xuất khẩu sắt thép cho thấy các doanh nghiệp ngành thép ngày càng quan tâm khai thác thị trường EU và đã tận dụng tốt những ưu đãi mà EVFTA mang lại.
Ngoài EU, xuất khẩu thép sang Anh trong năm qua cũng có bước chuyển tích cực do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) thực thi từ ngày 1/1/2021. Kim ngạch xuất khẩu thép sang Anh đạt 419.000 tấn, trị giá gần nửa tỷ USD, tăng 700% về lượng và tăng 1.269% về trị giá.
Không đơn thuần là tăng lượng hàng xuất khẩu và tăng về trị giá, ý nghĩa hơn cả là các lô hàng thép xuất khẩu nói chung và sang EU nói riêng đều trong Top ngành hàng tận dụng tốt ưu đãi thuế trong các FTA.
Cảnh giác với kiện phòng vệ thương mại
Việc EU trở thành thị trường xuất khẩu gần 2 tỷ USD của ngành thép chỉ sau một thời gian ngắn EVFTA có hiệu lực cho thấy, các doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ thị trường, đầu tư sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao để hàng hóa xuất khẩu được ngay.
Đơn hàng sang EU và nhiều thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản… đã và đang được các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện. Đầu tháng 2, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn. Đơn hàng đầu năm đi châu Âu mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của Hòa Phát.
Hòa Phát cho biết, đã nhận đơn hàng xuất khẩu thép xây dựng đến tháng 5 với tổng khối lượng 720.000 tấn.
Năm ngoái, cả Hòa Phát và Hoa Sen đã tận dụng được sự thiếu hụt trong nguồn cung thép tại thị trường châu Âu để xuất khẩu. Tập đoàn Hoa Sen nhận định, Hiệp định EVFTA tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU, trong đó xuất khẩu sắt thép các loại là mặt hàng có mức tăng kim ngạch cao nhất.
Đơn hàng xuất khẩu tăng, nhưng cùng với đó thì việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại sẽ tăng tại EU, nhất là với thép vốn luôn nằm trong danh sách đầu bảng các mặt hàng bị kiện phòng vệ nhiều nhất.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), EVFTA, UKVFTA thực thi, xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh thì số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại sẽ gia tăng, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định để khai thác lợi ích cũng như tự bảo vệ mình.