Đầu tư
Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn: Gạch nối tới tương lai
Thu Lê - 18/02/2018 14:52
Viễn cảnh sáng ở Hà Nội, trưa làm việc ở Vân Đồn, chiều tạt qua Hải Phòng ăn bát bánh đa cua đặc sản đất Cảng trên phố Trần Phú, rồi vẫn kịp về Hà Nội ngủ đẫy giấc sắp thành hiện thực khi 2 tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long và Hạ Long - Vân Đồn đang trên đường về đích.
TIN LIÊN QUAN

Thử thách lòng người

Đã quá 12 giờ trưa mà nhiệt độ ngoài trời vẫn dưới 10 độ C, trời lại bắt đầu có những hạt mưa, gió cũng thổi mạnh hơn, nhưng các công nhân, kỹ sư trên công trường đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn vẫn miệt mài làm việc để kịp tiến độ.

Tôi kéo vội chiếc mũ liền áo măng tô lên che đầu để tránh những cơn gió liên hồi đang rít bên tai. Đôi tay tôi đã tê vì lạnh. Máy ghi âm không thể hoạt động được vì tiếng máy xúc, tiếng búa máy căn phá đá vẫn đang ồn ã.

Cầu Bạch Đằng sẽ hợp long ngày 1/5/2018 - gạch nối tới tương lai của Quảng Ninh sẽ thành hiện thực. Ảnh: Thanh Tân

Hướng dẫn đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các nhà báo đi kiểm tra tiến độ Dự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn là anh Vũ Minh Tân, Trưởng phòng quản lý thi công và giải phóng mặt bằng của Công ty cổ phần BOT Biên Cương, chủ đầu của dự án cao tốc này. Thấy tôi co ro vì lạnh, anh bảo: “Thế này chưa là gì nhà báo ơi. Nhiều buổi anh em công nhân phải làm thâu đêm trên công trường, cho dù trời không mưa nhưng vẫn phải mặc áo mưa vì gió khuya lạnh thấu xương”. 

Dọc tuyến cao tốc này có rất nhiều đoạn phải xẻ núi thì mới mở được đường. Nhớ những ngày đầu muôn vàn khó khăn, nhìn bốn xung quanh trập trùng rừng núi, nhiều người đã ngao ngán. Anh em kỹ sư, công nhân phải căn từ bản thiết kế ra thực địa. Thế rồi, như những con ong thợ, từng ngày cần mẫn, những mét đường đã rõ hình hài như hôm nay. 

Vẫn theo dòng hồi tưởng của anh Tân, khi bắt đầu dự án, việc đầu tiên của những kỹ sư, công nhân thi công Dự án là nghĩ cách làm sao trụ lại ở nơi này, khi mọi điều kiện sinh hoạt đều thiếu thốn. Muỗi rừng, vắt nhiều như trấu, rồi nước sạch, điện, giao thông… đều khó khăn. Nhưng anh em đã động viên nhau, chúng ta bây giờ có trang thiết bị, máy móc hiện đại, có điện thoại tiện lợi thông tin liên lạc, lại làm việc trong thời bình, so với thế hệ cha ông làm đường lên Điện Biên, Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn, dụng cụ chỉ có cuốc xẻng, cơm ăn độn khoai độn sắn, thì vất vả hôm nay có thấm tháp gì. Và khi tâm đã vững, khó khăn mấy cũng vượt qua.

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2018, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cầu Bạch Đằng của tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long sẽ được đưa vào sử dụng. Cùng với việc Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế, sẽ mở bung cơ hội phát triển của địa phương, tạo nên sức bật mới cho một cực trong tam giác kinh tế của vùng Đông Bắc bộ. Quảng Ninh, với Đặc khu Vân Đồn, chắc chắn sẽ là “nơi muốn đến, chốn đi về” của nhiều người.

Chặng đường đi chỉ 52 km, vậy mà mất trọn một buổi sáng để đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến. Theo các kỹ sư, công nhân đang thi công ở đây, ở cung đường này, cấu tạo địa chất rất phức tạp. Đường trên núi, mà trên là lớp đất đỏ, đào sâu lại là đá vôi, đào sâu nữa lại là bùn nhão, đất sét, rồi lại túi nước ngầm. Người chủ trì đợt kiểm tra này nói đùa: “Nhà báo có thể xuống bơi được đấy”.

Làm đường cao tốc trên nền địa chất này đòi hỏi phải rất cẩn thận, khảo sát kỹ lưỡng, có phương án xử lý kỹ thuật hợp lý, nếu không sau này nền đường có thể bị sụt lún thành các “hố tử thần”.

Thời tiết năm 2017 lại không thuận lợi cho thi công, mưa ròng rã hơn 3 tháng liền đã làm cho tiến độ nhiều lúc “sa lầy”. Nhưng những khó khăn đó cũng không cản được bước chân những người thợ với quyết tâm thi công đúng tiến độ. Bên cạnh đó, phải kể đến sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, với liên tục các cuộc kiểm tra, khảo sát công trường để nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu, mà buổi kiểm tra hôm nay là một ví dụ.

Đấy là mới kể đến gian khổ trong thi công đường, với thi công cầu Bạch Đằng, một trong hai hợp phần của tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cũng khó khăn không kém. Ông Nguyễn Anh Sáng, Phó trưởng Ban quản lý dự án cầu Bạch Đằng, người có mặt gần như toàn bộ thời gian ở công trường cho biết, giai đoạn đầu triển khai, chủ đầu tư và các nhà thầu đã gặp rất nhiều khó khăn. Các gói thầu bờ Quảng Ninh, toàn bộ mặt bằng là đầm lầy nhiễm mặn, không có đường bộ kết nối, không có điện phục vụ thi công. Hơn nữa, cầu chính Bạch Đằng nằm tại ngã ba sông, là vùng nước hàng hải có phương tiện thủy di chuyển với mật độ cao, gây khó khăn rất lớn cho công tác thi công các trụ giữa sông.

Có chí ắt làm nên

Câu thơ của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Có chí ắt làm nên” thật đúng với những người thợ đang thi công trên công trường này.

Nghe những người kỹ sư kể về việc khắc phục những điểm sạt lở, sụt trượt lớn trong đợt mưa kéo dài hồi năm 2017 mới thấy, có quyết tâm thì không có gì là không thể làm được. Toàn tuyến có 43 điểm sạt trượt, trong đó, 12 điểm sạt trượt lớn với khối lượng hàng ngàn mét khối đất đá.

Có mặt tại điểm sạt trượt ở Km9 + 800, một trong những điểm sạt trượt lớn với khối lượng lên đến 30.000 m3, anh Đào Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng tại công trường của nhà thầu là Công ty cổ phần 457 cho biết: “Mất gần 2 năm, từ tháng 9/2015 đến tháng 6/2017, chúng tôi xẻ núi, hạ cốt nền xuống đạt yêu cầu. Vậy mà, sau mùa mưa năm 2017, mọi thứ lại trở về vạch xuất phát”.

Chưa kể, kết cấu địa chất rất phức tạp, chỉ có một đoạn đường 200 m qua núi thôi mà có đến hàng chục lớp địa chất khác nhau. Đoạn này, kết cấu sắp xếp thế này, nhưng chỉ được 1-2 m lại là kết cấu khác. Việc giữ ổn định địa chất hai bên sườn núi mà tuyến đường đi qua hết sức khó khăn. Hay câu chuyện về 80 m đường núi qua khu vực có dân cư sinh sống ở Km7, mà mất đến 2 năm mới làm xong chỉ vì không thể nổ mìn phá đá, phải dùng đến giải pháp thủ công như cha ông năm xưa đã làm. Những cụm từ như “đá kẹp sét”, “đá ngậm bùn”, “khoai tây hầm xương” đã nói lên thử thách mà đội ngũ kỹ sư, công nhân ở đây đã phải vượt qua.

Theo suốt hành trình cầu - đường này, trí tuệ, trình độ tay nghề của đội ngũ kỹ sư và người thợ Việt Nam rất đáng tự hào. Cầu Bạch Đằng là dự án đầu tiên do chúng ta tự thiết kế, thi công, tư vấn giám sát và quản lý. Ngoài những khó khăn khi mặt bằng thi công là vùng đầm lầy nhiễm mặn, mật độ tàu thuyền lưu thông cao, cây cầu này lại nằm trong phễu bay của sân bay Cát Bi, nên việc thiết kế chiều cao trụ tháp dây văng bị khống chế. Rồi nữa, cầu Bạch Đằng cũng nằm trong luồng hàng hải quốc tế, tĩnh không thông thuyền cao đến 48,4 m, cho nên phải thiết kế bố trí góc xiên của dây văng nhỏ khoảng 19 độ, điều này gây ra lực nén trong dầm bê tông đúc hẫng lớn, công tác kiểm soát nội lực phức tạp.

Song, đến thời điểm này, cây cầu bắc qua sông Cấm đã dần thành hình, các nhịp dây văng được thi công theo tiến độ đã định, để đến ngày 1/5 tới, cầu Bạch Đằng sẽ được hợp long.

Khó khăn về chuyên môn kỹ thuật hay thời tiết đã được những người thợ cầu đường chế ngự. Phối hợp nhịp nhàng với đơn vị thi công, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh đã thu xếp kịp thời nguồn vốn cho dự án. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổng nguồn vốn để đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn nối tiếp nhau đã gần 26.000 tỷ đồng. Nhưng tỉnh Quảng Ninh đã thu xếp ổn thỏa bằng nỗ lực trong vấn đề tự chủ ngân sách cho đầu tư, bằng việc sử dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP). Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chỉ tính riêng năm 2017, tỉnh đã bố trí trên 10.600 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, chiếm đến 56,67% tổng chi ngân sách địa phương.

Sau một hành trình vất vả trọn buổi sáng, chúng tôi đã đến điểm cuối của tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại Km 52. Đây cũng sẽ là điểm bắt đầu của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đang được tỉnh Quảng Ninh tích cực đẩy nhanh việc chuẩn bị để khởi công trong năm 2018 này.

Tin liên quan
Tin khác