Đầu tư
Cấp phép đại dự án ngành điện
Thanh Hương - 14/10/2013 07:14
Dự án Nhiệt điện than Vĩnh Tân 1 với quy mô vốn đầu tư trên 2 tỷ USD vừa được cấp phép là dự án thứ 5 trong ngành điện được đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). EGATI đầu tư dự án điện 2,2 tỷ USD ở Quảng Trị

Dự án Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1, công suất 1.200 MW, là công trình điện đầu tiên mà các đối tác đến từ Trung Quốc là những nhà đầu tư chính.

Dự án Nhiệt điện than Vĩnh Tân 1 với quy mô vốn đầu tư trên 2 tỷ USD vừa được cấp phép (ảnh minh họa)

Công ty Lưới điện Phương Nam (CSG) và Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH) chiếm tới 95% vốn trong dự án này.

Phần 5% còn lại do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đảm nhiệm.

Trước đó, vào tháng 11/2006, Bộ Công thương đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển dự án này với tổ hợp các nhà đầu tư và cuối tháng 12/2012, các bên đã tiến hành ký tắt hợp đồng BOT, làm cơ sở để chủ đầu tư hoàn tất hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Theo kế hoạch, sẽ cần 12 tháng để hoàn tất thu xếp tài chính cho Dự án.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang đặt mục tiêu hoàn tất việc thu xếp vốn trong khoảng 6 tháng, để có thể bước sang giai đoạn xây dựng kéo dài 4 năm. Kế hoạch hiện tại được cam kết trong hợp đồng BOT là tháng 4/2019, tổ máy 1 của Dự án Nhiệt điện than Vĩnh Tân 1 sẽ đi vào hoạt động và tới tháng 10/2019 đưa vào vận hành tổ máy 2.

Các chuyên gia đàm phán BOT của Bộ Công thương cho hay, các hợp đồng liên quan trong dự án này rất chặt chẽ, dựa trên nhiều thông lệ quốc tế và được các tổ chức tài chính nước ngoài quan tâm chi ly trong từng điều khoản, nên nhà đầu tư không thể “tự tung, tự tác” theo ý mình khi hợp đồng đã ký.

Tại Dự án, phần bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ sau khi trừ các khoản chi tiêu ở Việt Nam cũng được cam kết là 100%.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - được xác định là trung tâm điện lực lớn nhất của Việt Nam với quy mô lên tới 5.000 MW.

Ngoài Dự án Nhiệt điện than Vĩnh Tân 1 vừa được cấp phép, Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 do các nhà đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty One Energy, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thái Bình Dương (Pacific Corporation) đầu tư cũng đang được khẩn trương đàm phán.

Hai dự án còn lại trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, với cùng công suất 1.200 MW và đều do EVN là chủ đầu tư.

Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang được khẩn trương hoàn thành để đảm bảo tiến độ phát điện trong tháng 12/2013 và tổ máy 2 dự kiến phát điện vào tháng 6/2014. Với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, EVN có thể khởi công vào cuối năm 2013, hoặc đầu năm 2014 để hoàn thành vào năm 2017, bổ sung nguồn điện cho khu vực miền Nam.

Tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 2 sẽ dùng than trong nước, hai nhà máy còn lại sử dụng than nhập khẩu, với khối lượng khoảng 8 triệu tấn/năm.

Để phục vụ việc truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân lên lưới điện quốc gia, Dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây, gồm xây dựng mới đường dây dẫn điện cấp điện áp 500 kV 2 mạch, có chiều dài 236 km đi qua địa bàn các tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, từ Trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân đến Trạm biến áp 500 kV Sông Mây, với tổng mức đầu tư trên 2.988 tỷ đồng, do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư đã được triển khai.

Cuối tháng 8 vừa qua, ngành điện lực đã đóng điện thành công công trình đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây giai đoạn I, vận hành ở điện áp 220 kV cấp điện vận hành thử nghiệm Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Dự kiến, Trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Tin liên quan
Tin khác