VSIP vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng, Trung Tâm xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, BQL KKT Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi, Công ty Deloitte Việt Nam tổ chức tọa đàm xúc tiến đầu tư và Quảng Ngãi, giải đáp các chính sách thuế khi đầu tư vào VSIP, những băn khoăn của nhà đầu tư về việc có hay không sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước...
Đại diện VSIP giới thiệu quá trình phát triển và chính sách thu hút đầu tư vào VSIP |
Tại buổi tọa đàm, giám đốc Kinh doanh VSIP miền Trung và miền Nam Nguyễn Chí Toàn đã giới thiệu khát quát về quá trình 22 năm đầu tư và phát triển của VSIP tại Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh sự kiện năm 2013, VSIP bắt đầu đặt chân vào Quảng Ngãi, dự án duy nhất hiện nay tại miền Trung Việt Nam đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
“Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2013, qua 5 năm nỗ lực đầu tư hạ tầng theo chuẩn mực của Khu Công nghiệp-Đô thị “xanh”, VSIP Quảng Ngãi đang là nơi đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư. Hiện đã có 17 dự án công nghệ cao với số vốn đầu tư 383 triệu USD đã được VSIP kêu gọi đầu tư vào đây”- ông Toàn chia sẻ.
Nói thêm về Quảng Ngãi nói chung, VSIP Quảng Ngãi nói riêng, ông Lê Hàn Phong, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT và KCN Quảng Ngãi cho rằng, VSIP chính là điểm nhấn quan trọng, gạch nối hiệu quả giữa KKT Dung Quất và thành phố Quảng Ngãi. “Với hạ tầng đồng bộ, xây dựng chuẩn, mặt bằng sạch, thủ tục hành chính đơn giản, thủ tục đầu tư nhanh gọn, VSIP là mô hình mẫu kêu gọi và thu hút đầu tư của Quảng Ngãi”- ông Phong nhấn mạnh.
Là đơn vị đại diện VCCI tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh mong muốn được đồng hành, hợp tác cùng Quảng Ngãi nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại miền Trung-Tây nguyên và cả nước.
Khu vực miền Trung nằm trên tuyến hàng hải nhộn nhịp, mặt tiền biển, có hạ tầng giao thông kết nối tốt tương đối tốt (Hành lang kinh tế Đông-Tây, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi…)
Ngoài ra, hạ tầng kinh tế cũng khá tốt với 4 KKT ven biển đang phát huy hiệu quả đầu tư: Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội, Chân Mây-Lăng Cô với những cảng biển nước sâu hoạt động hiệu quả, hàng không đáp ứng nhu cầu đi lại cả trong nước và quốc tế là nới đến an toàn cho các nhà đầu tư.
Với Quảng Ngãi, ông Quang ghi nhận dù đã có nhiều cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi và yên tâm cho các nhà đầu tư.
Các bên liên quan giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình lập thủ tục đầu tư vào Quảng Ngãi và VSIP |
“Dẫu vậy, Quảng Ngãi cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi, có đến 86% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng những chính sách của Quảng Ngãi ban hành được thực thi chưa hợp lý”- ông Quang nhấn mạnh.
Qua tọa đàm, ông Quang thay mặt VCCI ghi nhận qua 22 năm đầu tư vào Việt Nam, VSIP không những là biểu tượng tình hữu nghị Việt Nam-Singapore mà còn góp phần làm thay đổi rõ rệt cấu trúc kinh tế Việt Nam thông qua mô hình các Khu công nghiệp (KCN), Đô thị và Dịch vụ mà hàm chứa trong đó những giá trị cốt lõi của hiện đại, tiên tiến, chất lượng và thân thiện môi trường.
Khởi đầu tại Bình Dương, đến nay thương hiệu VSIP đã hiện diện khắp mọi miền đất nước với bảy khu VSIP. Ở mỗi nơi mà VSIP đặt chân tới, là in đậm dấu ấn của người đi khai phá, hành trình lấp lánh tạo ra những thành quả kinh tế, xã hội và môi trường sống tự hào.
Những tính năng vượt trội ấy đã đem đến những thành công vững vàng cho các VSIP tại Việt Nam trải dọc từ Nam ra Bắc. Trên diện tích hớn 7.000ha, các Khu VSIP tại Việt Nam đã thu hút được gần 12 tỉ USD của khoảng 760 nhà đầu tư từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, tạo ra môi trường sống và làm việc cho 210.000 lao động địa phương và chuyên gia nước ngoài.