Rất cấp thiết
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP. Đà Nẵng cho biết, tổng lượng hàng hóa của cảng Đà Nẵng hiện đạt mức tăng 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và dự báo tăng lên khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Lượng hàng này sẽ vượt quá năng lực của cảng Tiên Sa sau năm 2020, đồng thời vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô TP. Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường và tác động tiêu cực đến định hướng phát triển du lịch của Thành phố.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc đầu tư cảng Liên Chiểu phải đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đa chức năng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa |
“Trong bối cảnh cảng Tiên Sa đã sử dụng gần hết công suất và không còn khả năng mở rộng, việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu để thay thế và làm chức năng cảng cửa ngõ quốc gia trong tương lai gần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Đà Nẵng duy trì được vị thế đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển của khu vực. Việc sớm đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là rất cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, vốn đầu từ là vấn đề khó khăn nhất hiện nay của dự án này. TP. Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm đề xuất nguồn vốn đầu tư Dự án để Chính phủ quyết định trong tháng 10 này”, ông Trung cho hay.
Trông chờ vào ngân sách
Ngày 2/10/2018, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị kiểm tra, thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng Liên Chiểu.
Theo báo cáo này, cảng Liên Chiểu được quy hoạch để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU. Kết quả nghiên cứu tiền khả thi cho thấy, phần kết cấu hạ tầng dùng chung cho 2 bến có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, gồm các hạng mục như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng… Trong tổng vốn đầu tư, chi phí xây dựng chiếm hơn 2.990 tỷ đồng, còn lại là chi phí thiết bị, giải phóng mặt bằng và các chi phí khác.
Để triển khai dự án này, TP. Đà Nẵng đề xuất, nguồn ngân sách trung ương hơn 2.990 tỷ đồng, chiếm 87,4% tổng nguồn vốn đầu tư. TP. Đà Nẵng cũng sẽ bố trí vốn ngân sách 433 tỷ đồng, tương đương 12,6% để thực hiện dự án này. Dự án dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2019, triển khai thi công và đưa vào khai thác năm 2020 - 2022.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, TP. Đà Nẵng kiến nghị Bộ GTVT thống nhất nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, phần kết cấu hạ tầng dùng chung và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch Thường trực TP. Đà Nẵng cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo các ngành tích cực bám sát và làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tìm kiếm nguồn vốn, phê duyệt dự án đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng có buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng về việc triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu. Theo kết luận của Thủ tướng, việc đầu tư cảng Liên Chiểu dần thay thế cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc đầu tư cảng Liên Chiểu phải đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đa chức năng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.