Ngày xưa khi còn độc thân, tôi luôn nghĩ rằng mình làm ra tiền thì phải tiêu cho xứng đáng. Tôi chi tiêu bốc đồng, cứ cảm thấy thích thì sẽ mua mà không cần suy nghĩ mình có thật sự cần đến hay không và những ngày tiếp theo mình sẽ sống thiếu thốn như thế nào. Thói quen đó theo tôi cho đến tận khi lấy chồng sinh con, tới lúc tôi phải đối mặt với bài toán chi tiêu tiết kiệm để lo cho gia đình, lo cho con chứ không phải chỉ một mình bản thân tôi, thì tôi mới nhận ra là mình đã hoang phí vào quá nhiều thứ không cần thiết. Đó cũng là lúc tôi hiểu ra được sự khác biệt giữa một bà nội trợ chi tiêu thông minh và một bà nội trợ bình thường, không chỉ nằm ở kỹ năng đi chợ trả giá, mà còn ở cách họ biết ưu tiên những thứ thật sự cần thiết thay vì những thứ họ thích, họ muốn.
Tôi đã từng thử áp dụng suy nghĩ như vậy một cách nghiêm ngặt, và chỉ trong vòng 30 ngày cắt bỏ hoàn toàn những khoản chi không cần thiết, tôi đã có thể tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ chút nào.
Tôi không mua nước bên ngoài nữa
Mỗi buổi sáng trước khi vào công ty tôi đều ghé hàng nước gần đó để mua cà phê. Cái mùi thơm cà phê luôn khiến đầu óc tôi cảm thấy tỉnh táo hơn. Một ly cà phê thơm phức đối với tôi là một cách tuyệt vời để bắt đầu một ngày làm việc mới. Và cứ như vậy, mỗi ngày đều đặn tôi uống một ly cà phê 15 nghìn, một tuần tôi tiêu hết 75 nghìn, và một tháng là 300 nghìn tiền cà phê sáng.
Mặc dù trong công ty luôn có sẵn bình nước nóng lạnh, nhưng cái thú của các nhân viên văn phòng bọn tôi luôn là kêu nước hoặc các món ăn vặt vào mỗi buổi chiều. Hôm thì trà sữa, hôm thì các loại cà phê đá xay, sinh tố, mỗi tuần ít nhất cũng phải 2-3 lần. Cứ cho một ly trà sữa hiện nay giá trung bình là 40 nghìn, vậy mỗi tuần tôi đã tiêu 80-120 nghìn, một tháng tôi tốn 320-480 nghìn vào tiền trà sữa.
Nếu nhân lên trong vòng 1 năm đi làm thì số tiền nước tưởng là nhỏ nhặt trên sẽ trở thành một chi phí khổng lồ. Một tháng cắt hoàn toàn những vụ uống nước không cần thiết, tôi chuyển hẳn sang uống nước có sẵn ở công ty. Tôi mang theo một chiếc bình riêng to đùng để rót nước. Và tôi phát hiện ra là tôi uống nhiều nước hơn, đi vệ sinh nhiều hơn và có vẻ là không chỉ túi tiền mà cả da dẻ và vòng eo của tôi cũng được hưởng nhiều lợi ích từ vụ cắt chi tiêu này.
Số tiền tiết kiệm được trong tháng: 620-780 nghìn.
Hạn chế ăn bên ngoài
Làm việc ở khu trung tâm thành phố có một cái lợi là xung quanh có rất nhiều quán ăn, hàng nước ngon lành đẹp đẽ, nhưng thật khó khăn để kiềm chế nếu như bạn muốn tiết kiệm tiền. Lúc trước tôi thường xuyên ăn cơm trưa ở ngoài, mỗi bữa cũng phải hết 35-45 nghìn một suất cơm chất lượng. Một tháng ăn cơm bụi tôi tốn cỡ 700-900 nghìn.
Chưa kể đến những buổi tối đi làm về mệt, hai vợ chồng lại rủ nhau ra ngoài ăn, bữa nào ăn rẻ thì khoảng 100 nghìn, hôm nào hứng lên ăn sang trọng một chút tốn đến 300-500 là bình thường. Trong một tháng tôi có chừng 5-6 ngày ăn bên ngoài như vậy, tính ra là tiêu cỡ 500 nghìn - 3 triệu.
Khi quyết định cắt giảm phần chi phí này thật sự cũng rất khó khăn với tôi. Cuối tuần hai vợ chồng rủ nhau đi siêu thị để tích trữ thực phẩm ở nhà, tôi cũng phải tranh thủ làm việc để được về sớm một chút chuẩn bị cơm nước, mỗi ngày tôi đều nấu dư ra một ít để phần lại cho cả hai vợ chồng hôm sau lại mang theo ăn trưa. Điều mệt mỏi nhất đối với tôi lúc này không phải là nấu nướng mà là mỗi ngày đều phải nghĩ món để nấu làm sao không bị trùng trong tuần và đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà. Nhưng cứ nghĩ đến số tiền tôi có thể tiết kiệm được từ việc này, bạn biết không, quả là một động lực to lớn khủng khiếp để tôi cố gắng mài dũa khả năng nấu nướng của mình đấy!
Số tiền tiết kiệm được trong tháng: 800 nghìn - 3,9 triệu.
Đi mua sắm với danh sách soạn sẵn
Đi siêu thị mua sắm với các bà nội trợ thật đúng là một cuộc chiến chống lại cám dỗ. Ngoài những thứ cần thiết, tôi thường phải tốn cỡ 200 nghìn vào những thứ linh tinh. Chính vì vậy, việc lên danh sách và mua những thứ gia đình thật sự cần thiết sẽ giúp tôi rất nhiều trong việc tiết kiệm tiền. Việc tạo danh sách mua sắm cũng giúp tôi tiết kiệm thời gian đi vòng quanh nên hạn chế bị rơi vào “bẫy mua sắm”. Chỉ cần xác định món đồ muốn mua và khu vực cần đến, tôi thường vào mua và trở ra rất nhanh.
Số tiền tiết kiệm được trong tháng: 800 nghìn.
Hạn chế dùng điện thoại
Mỗi tháng tôi đều sử dụng gói cước 3g hết 100 nghìn, tuy nhiên thường chỉ đến giữa tháng tôi đã hết dung lượng và phải trả thêm khoảng 100 nghìn nữa mới có thể dùng đến hết tháng. Ngoài tiền cước điện thoại thì tiền cước phí 3g đã ngốn của tôi một khoản không hề nhỏ mỗi tháng. Chính vì thế tôi quyết định tắt luôn chế độ 3g, chỉ sử dụng mạng khi có sẵn wifi miễn phí hoặc nếu thật sự cần thiết mới bật 3g lên.
Sau đó tôi mới phát hiện ra mình có thói quen vô thức cầm điện thoại lên và lướt Facebook. Dù cho thật sự tôi chẳng xem gì cả, chỉ kéo lướt qua các tin và cập nhật của bạn bè như một thói quen khi buồn chán, không có gì làm vậy thôi. Bỏ điện thoại xuống, cất vào túi xách, tôi nhận ra là mình không chỉ tiết kiệm chi phí cá nhân, mình còn có nhiều thời gian hơn để tập trung thật sự vào những việc khác xung quanh, nhìn ngó mọi người, để ý đến câu chuyện của họ hơn, chú ý hơn khi đi ra đường… Tôi cũng không phải nhìn thấy những tin tức kinh khủng như mọi ngày, không cần phải cảm thấy nặng nề, buồn tủi khi so sánh đời mình với những cuộc đời tươi đẹp của những người bạn “ảo”. Tôi cảm thấy vui vẻ hơn và chú trọng vào chất lượng của cuộc sống thật sự của mình hơn.
Số tiền tiết kiệm được trong tháng: 200 nghìn.
Tôi tin chắc là không chỉ một mình tôi mà rất nhiều chị em phụ nữ đều mắc phải những thói quen tiêu tiền như trên. Vậy nếu như bạn muốn tiết kiệm, muốn có được một khoản dư vào cuối năm để gia đình đi du lịch hay chỉ là để tích lũy cho con sau này, chẳng cần đâu xa, bạn cứ bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhất như thế này thôi. Bạn cứ thử xem và bạn sẽ thấy ngạc nhiên rằng mình đã tiêu rất nhiều tiền vào những thứ linh tinh mà bạn không ngờ tới luôn đấy!