Vết đen trên sông Cầu
Cụ thể, tại Công văn số 55/UBND-NN.TN của UBND tỉnh Bắc Ninh, do Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Thành ký hôm 9/3, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tiến hành sơ kết, đánh giá việc triển khai Dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu (Dự án) theo đúng Thông báo số 357/TB- VPCP ngày 6/11/2015 của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là Phó thủ tướng) về chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông.
Bên cạnh việc đề nghị Bộ GTVT không tiếp tục thực hiện Dự án, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Được biết, Dự án được triển khai từ năm 2014, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam mới cấp quyền gia hạn cho Công ty cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu thi công đến hết tháng 12/2017, với khối lượng nạo vét phát sinh thêm khoảng 70.000 m3 tại 5 đoạn cạn trên sông Cầu.
Cần phải nói thêm rằng, Bắc Ninh có lý do để tỏ thái độ bức xúc đối với dự án này. Ngoài số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với lượng cát thu hồi mà Nhà nước dự kiến thu được là rất nhỏ (khoảng hơn 100 triệu đồng), Dự án đã từng để lại những “vết đen” khó phai đối với nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết, năm 2014, Dự án Nạo vét sông Cầu cũng do chính nhà thầu này thi công đã xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi gần 100 m đê hữu sông, đất bãi sông Cầu qua huyện Quế Võ bị sạt lở đứng thành, với chiều dài khoảng 50 m, ăn sâu vào bãi từ 5 - 10 m, khiến Bắc Ninh phải bỏ ra hơn 30 tỷ đồng từ ngân sách để khắc phục hậu quả.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở tai hại nói trên được chính quyền địa phương cho rằng, Công ty Trục vớt luồng hạ lưu đã thi công Dự án không đúng quy chuẩn. Đây là lý do khiến từ năm 2015 đến nay, Bắc Ninh kiên quyết không cấp phép cho bất kỳ dự án nạo vét nào trên địa bàn.
Cuối tháng 11/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị dừng ngay thực hiện Dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn trên sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trước áp lực của địa phương, tháng 12/2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phải yêu cầu Công ty Trục vớt luồng hạ lưu tạm dừng thi công Dự án.
“Sau khi tỉnh Bắc Ninh dừng triển khai thực hiện Dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, nhân dân đồng tình ủng hộ cao, an ninh nông thôn được đảm bảo”, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Khó kiểm soát
Bức xúc lại bùng lên sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nhận được văn bản của Bộ GTVT (22/2/2017), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (1/3/2017) đề nghị tiếp tục tạo điều kiện, hướng dẫn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện Dự án.
Lý do khiến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xin nối lại Dự án (nếu được sự chấp thuận của địa phương) là theo kết quả khảo sát luồng sông Cầu thuộc phạm vi Dự án tại địa phận huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh hôm 9/1/2017 cho thấy, có 3/4 vị trí không đạt chuẩn tắc luồng với khối lượng cần nạo vét khoảng 6.200 m3.
Điều này, theo UBND tỉnh Bắc Ninh là không đúng tinh thần buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 23/2.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, cả 3 đoạn cạn mà Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng chưa đạt chuẩn tắc luồng đều đảm bảo chiều sâu cho các phương tiện vận tải thủy hoạt động bình thường. Việc 17 chủ phương tiện vận tải thủy phản ánh luồng sông Cầu có nhiều đoạn khan cạn, gây ảnh hưởng đến lưu thông (tháng 2/2017) là không chính xác, thậm chí các phương tiện này đều hoạt động không đúng tải trọng (498 tấn - 888 tấn), trong khi trọng tải tối đa được cấp phép chỉ là 300 tấn.
“Trên toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định. Không có phương tiện thủy nội địa nào mắc cạn nếu đi đúng trọng tải và đúng luồng. Nếu có phương tiện thủy nào mắc cạn, tỉnh sẽ bố trí kinh phí để bồi thường”, UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định.
Hiện chưa thể khẳng định mức độ chính xác về thông tin mà Bắc Ninh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đưa ra, nhưng những lỗ hổng trong công tác cấp phép; quản lý, giám sát thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu sản phẩm đã được Bộ GTVT nhận diện khá rõ trong Kết luận thanh tra công bố hồi tháng 11/2016 về việc chấp hành quy định bảo trì, nạo vét đường thủy nội địa tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Theo Kết luận thanh tra số 13731/HK - BGTVT, trong tổng số 71 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép, số lượng dự án có vị trí do nhà đầu tư tự đề xuất ngoài danh mục được phê duyệt lên tới 47 dự án (66,2%).
Đây là kẽ hở lớn cho tình trạng nhà đầu tư đề xuất dự án nạo vét tại nơi có nhiều tài nguyên, nhưng không cần thiết và cấp bách để nạo vét luồng, tuyến, để lợi dụng chủ trương nạo vét tiến hành khai thác cát.
Mặc dù đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, chỉ cách khái niệm “cát tặc” một “mạn thuyền”, nhưng số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quá ít so với tổng số dự án nạo vét tận thu. “Cục Đường thủy chưa thực hiện đầy đủ kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ của nhà đầu tư theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 23 của Thông tư 69/2015/TT-BGTVT và khoản 1.4, Điều 12, Thông tư 37/2013/TT-BGTVT”, Thanh tra Bộ GTVT cho biết.
Kết quả thanh tra 10 dự án nạo vét ở phía Bắc đang trong quá trình triển khai là rất đáng quan ngại. Cụ thể, các dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Hội, Công ty TNHH My Hương thực hiện không có kế hoạch bảo vệ môi trường; không có hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải và hầu hết đều không có báo cáo kết quả bảo vệ môi trường trong thời gian thi công.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, dưới tác động của kinh tế thị trường, các nhà đầu tư luôn đối đa hóa lợi nhuận trong việc tận thu sản phẩm, nên họ chỉ quan tâm đến việc nạo vét tại những vị trí có cát, sỏi có thể tận thu, không thực hiện nạo vét luồng theo chuẩn tắc được phê duyệt.
Sau khi ký hợp đồng thực hiện dự án với Cục Đường thủy nội địa, các nhà đầu tư đã thuê các chủ phương tiện tự bố trí nhân lực, phương tiện để thực hiện nạo vét, sau đó bán sản phẩm tận thu cho tổ chức, cá nhân ngoài thị trường; không thực hiện theo đúng phương án đổ thải được phê duyệt trong kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt.
“Sơ hở này là một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn cát tặc hoành hành tại các tuyến sông để lại hậu quả rất nghiêm trọng về môi trường trong thời gian qua”, một lãnh đạo địa phương nói.