Từ kỳ vọng thành thất vọng
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có đội tàu cá lớn ở miền Trung, trong đó, riêng huyện Bình Sơn có hơn 1.300 tàu cá. Ông Nguyễn Mía, ngư dân ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) cho hay, ngư dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn về neo đậu tàu thuyền.
Trong khi đó, cầu cảng cá sông Trà Bồng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng lại không có một tàu lớn nào cập bến.
Được biết, dự án này có mục tiêu phục vụ các hộ ngư nghiệp tái định cư và người dân trong vùng dự án, bảo đảm hoạt động nghề cá ổn định, lâu dài và làm nơi neo đậu tàu thuyền tránh thiên tai... Dự án được phê duyệt từ tháng 9/2008; điều chỉnh, bổ sung tháng 7/2009; khởi công năm 2010; hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2013.
Công trình có các hạng mục như khu tái định cư; bến 128 m, bến 90 m; kè bảo vệ bờ dài 1,4 km; san lấp mặt bằng với diện tích gần 18.000 m2; nạo vét vũng bốc xếp trước bến và quay trở tàu đảm bảo cho tàu có chiều dài 15 m cập cảng; công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cảng cá…
Tuy nhiên, theo phản ánh của ngư dân huyện Bình Sơn, luồng nước quanh cầu cảng này quá cạn, tàu cá có chiều dài trên 15 m không vào cảng neo đậu được.
Thời gian qua, nhiều ngư dân trong khu vực hành nghề câu mực khơi có tàu to máy lớn liên tục kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri và gửi văn bản tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì quyền lợi bị ảnh hưởng. Cụ thể, để được hưởng chính sách hỗ trợ dầu cho tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngư dân không thể cập cảng tại Bình Sơn, mà phải chạy vòng vào cảng Tịnh Kỳ, hoặc cảng Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) để truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra nhiều tồn tại của cảng cá Trà Bồng, như không có diện tích vùng nước cảng, không đảm bảo diện tích vùng đất cảng, không đảm bảo độ sâu luồng và vùng nước trước cầu cảng để tàu cá có chiều dài 15 m trở lên ra vào, không có lượng hàng thủy sản qua cảng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi giao bến cảng này cho Công ty TNHH Thiên Phú (đơn vị trúng đấu giá khu hậu cần cảng cá sông Trà Bồng) quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng, với tổng diện tích 0,97 ha.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra, việc giao công trình hạ tầng được đầu tư từ ngân sách cho doanh nghiệp tư nhân là không đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Do đó, tháng 8/2020, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi các hạng mục công trình xây dựng đã tạm bàn giao cho Công ty Thiên Phú.
Để vận hành, phải đầu tư thêm 100 tỷ đồng
Trước những bất cập và dấu hiệu lãng phí của Dự án Cầu cảng cá sông Trà Bồng, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi lập các đoàn kiểm tra, đánh giá và họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Ngãi vận hành, khai thác cầu cảng cá sông Trà Bồng.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, lập các thủ tục đầu tư nâng cấp công trình cầu cảng cá sông Trà Bồng đạt các tiêu chí cảng cá loại III theo Luật Thủy sản; nghiên cứu phương án biến cảng cá sông Trà Bồng thành cảng vệ tinh của cảng cá Sa Cần để phục vụ ngư dân.
Đặc biệt, rà soát các nội dung có liên quan để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đầu tư xây dựng cảng cá Sa Cần nhằm phát huy lợi thế của sông Trà Bồng, hình thành cảng cá phục vụ ngư dân trong vùng gắn với khu neo trú tàu thuyền, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.
Ông Trần Phước Hiền yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 và ưu tiên triển khai trong năm 2026, làm cơ sở để triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định.
Theo đại diện Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, nhiều công trình của Dự án sau hơn 11 năm không sử dụng đã xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng, vùng neo đậu tàu khi thủy triều xuống độ sâu chỉ khoảng 40 cm. Diện tích mặt nước để tàu vào neo trú không đảm bảo, chưa có kho bãi, nhà phân loại cá.
Đại diện Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, để vận hành Dự án, phải tiến hành nạo vét, phá đá ngầm thông luồng để tàu cập cầu cảng và đầu tư các hạng mục khác để đáp ứng tiêu chí cảng loại III. Qua tính toán sơ bộ, Dự án cần phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng nữa, thì mới hoàn thiện.