Trả lời câu hỏi về việc vì sao chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức quá cao, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, xuất phát từ việc Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng, mà đều phải dùng ngoại tệ nhập khẩu. Và hai năm qua, để ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đã không cấp phép nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu vàng miếng là có thực.
“Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch”, ông Hưng lý giải.
| ||
Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại buổi họp báo |
Tuy nhiên, theo ông Hưng, kể từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ, tuy có chênh lệch giá, nhưng không xảy ra sốt vàng, diễn biến tỷ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định. “Đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô”, ông Hưng nói và khẳng định, việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng đã góp phần tăng cung, giảm áp lực cầu.
“Nếu NHNN không tham gia bình ổn thị trường, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thì thị trường vàng sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá”, ông Hưng nói.
Vị phó thống đốc này cũng đã khẳng định việc NHNN tổ chức đấu thầu được 12 tấn vàng trong thời gian qua là thành công. Lý do là vì, đã tăng được cung, giảm áp lực cầu vàng; tránh tình trạng bất ổn, sốt vàng; đồng thời góp phần ổn định tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ.
Theo khẳng định của ông Hưng, thông qua việc đấu thầu, NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới, mà chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.
“Chúng tôi tham gia bình ổn thị trường, chứ không phải bình ổn giá”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khoản chênh lệch giá vàng ai sẽ được lợi, ông Hưng cho biết, toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu của ngân sách nhà nước, chuyển về ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, liên quan đến thời điểm ngày 30/6, khi mà tất cả các ngân hàng phải hoàn thành trạng thái tất toán vàng - thời điểm mà nhiều người kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn trên thị trường vàng, ông Hưng khẳng định, khi đó cầu trên thị trường sẽ giảm.
“Khi mà nhu cầu trên thị trường giảm bớt thì chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ giảm”, ông Hưng khẳng định.
Nguyên Đức