Y tế - Sức khỏe
CDC Hà Nội kiến nghị người đến từ TP.HCM tự cách ly tại nhà
D.Ngân - 06/07/2021 13:31
Trước nguy cơ Hà Nội sẽ xuất hiện thêm ca mắc ở cộng đồng, lãnh đạo CDC Hà Nội kiến nghị người đến từ TP.HCM cần tự cách ly tại nhà.

Sau khi xác nhận thêm 10 ca mắc Covid-19 tại Mỹ Đức và Đông Anh, TP. Hà Nội đang khẩn trương khoanh vùng dập dịch.


Trước nguy cơ Hà Nội sẽ xuất hiện thêm ca mắc ở cộng đồng, lãnh đạo CDC Hà Nội kiến nghị người đến từ TP.HCM cần tự cách ly tại nhà.

Ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho hay, CDC Hà Nội sẽ khẩn trương xét nghiệm toàn bộ nhân viên Công ty Molex, nơi có một ca F0, với khoảng 1.000 mẫu. 

Đồng thời, lãnh đạo CDC Hà Nội khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến trình xét nghiệm sàng lọc diện rộng ở các khu công nghiệp, trước mắt là khu công nghiệp Thăng Long (nơi có 4 ca nhiễm Covid-19).

“Tùy thuộc tình hình lấy mẫu, xét nghiệm, đánh giá diễn biến dịch, chúng tôi sẽ tham mưu Sở Y tế, Ban chỉ đạo TP tăng cường cán bộ y tế, nhân viên lấy mẫu tại các khu công nghiệp và địa bàn dân cư thời gian tới”, ông Việt nêu.

Đối với người đến Hà Nội từ TP.HCM, Phó giám đốc CDC đề nghị Ban chỉ đạo TP khuyến cáo người dân tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Người thuộc diện này cũng được đề nghị đăng ký với trung tâm y tế nơi cư trú để làm xét nghiệm sàng lọc.

Được biêt, sau 8 ngày không ghi nhận ca mắc mới Hà Nội đã xuất hiện ổ dịch, nguy cơ bùng phát cao, từ đó, lãnh đạo TP nêu rõ các đầu việc quan trọng là nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch khi TP đã nới lỏng một số loại hình kinh doanh và đặc biệt là đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Trưa ngày 6/7, Bộ Y tế công bố Việt Nam ghi nhận thêm 6 bệnh nhân nhập cảnh và 242 ca trong nước. Các tỉnh, thành phố có thêm bệnh nhân là TP.HCM (209), Hà Nội (10), Phú Yên (7), Long An (6), Thanh Hóa (4), Bắc Giang (3), Lạng Sơn (1), Bắc Ninh (1), Hà Nam (1). Trong đó, 182 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng phong tỏa.

Như vậy, tính đến 12h ngày 6/7, Việt Nam có tổng cộng 19.683 ca ghi nhận trong nước và 1.877 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 18.113 ca, trong đó có 5.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Như vậy chỉ trong vòng hơn 2 tháng, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã tăng cao gấp nhiều lần cả 3 làn sóng trước cộng lại.

Trước sự tấn công ồ ạt, dồn dập của virus biến thể Delta, thay đổi biện pháp chống dịch là vấn đề sống còn. Bộ Y tế đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp trong xét nghiệm, truy vết, cách ly, phân chia các cơ sở điều trị….

Một trong những thay đổi mạnh mẽ là thực hiện cách ly F1 tại nhà. Biện pháp này đã giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, đặc biệt quan trọng góp phần làm giảm lây nhiễm chéo. 

Test kháng nguyên nhanh cũng là một trong những biện pháp được Bộ Y tế đặt ra khẩn trương để thần tốc truy vết, đưa ngay ca nghi nhiễm ra khỏi cộng đồng trong thời gian nhanh nhất. Biện pháp này đã phát huy hiệu quả tại Bắc Giang và nay tiếp tục được triển khai ở nhiều tâm dịch khác.

Mỗi địa phương đều có những triển khai khác nhau để làm sao chống dịch hiệu quả nhất. Trong đó, đặc biệt ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện, truy vết, khoanh gọn các vùng dịch.

Với mục tiêu “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, ngành Y tế yêu cầu phải khám sàng lọc phân loại đối tượng tiêm chủng, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai biến, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào chiến dịch tiêm chủng. 

Bên cạnh những nỗ lực đàm phán với nhiều nước để có được nguồn vắc-xin cho Việt Nam sớm nhất, Bộ Y tế cũng đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, tiến tới chủ động nguồn cung vắc-xin. 

Để tăng sức mạnh cho việc tiếp cận sớm vắc-xin, tiến tới hơn 70% dân số được tiêm, việc chung tay ủng hộ của doanh nghiệp, nhân dân cả nước ủng hộ cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 cũng đóng vai trò quan trọng. 

Tin liên quan
Tin khác