Ngân hàng
CEO BIDV mong Quốc hội "gật đầu" cho phép chia cổ tức để tăng vốn
T.L - 07/10/2021 16:02
Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI chiều nay, Tổng giám đốc BIDV kiến nghị Quốc hội sớm luật hóa Nghị quyết 42 và xem xét chủ trương tăng vốn cho BIDV.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, BIDV đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 cũng như triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội. Cụ thể, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi, phí theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước cho 7.379 khách hàng với tổng dư nợ gần 78.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã tích cực giảm lãi suất chia sẻ khó khăn với khách hàng, bao gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới. Năm 2020, BIDV đã giảm thu nhập 6.400 tỷ đồng để chia sẻ với khách hàng. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng cũng đã giảm số tiền lãi 5.200 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng.

Mặc dù vậy, Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm cũng cho hay, ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chính vì vậy, ông Lâm đề nghị, Quốc hội xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 sau khi ra đời đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, song chỉ có hiệu lực trong 5 năm, hiện đã sắp hết hiệu lực (tháng 8/2022), trong khi nợ xấu ngân hàng lại tăng mạnh do Covid-19.

Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Lâm cũng mong muốn Quốc hội và các bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho BIDV bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, giúp ngân hàng tăng năng lực tài chính.

Ngoài ra, lãnh đạo BIDV cũng đề nghị Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện đang có nhiều điểm không thích hợp với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng 4.0, xu hướng số hóa mạnh mẽ của ngân hàng, khiến các ngân hàng khó triển khai các sản phẩm số; xem xét; đề nghị Quốc hội sớm Luật hóa về giao dịch đảm bảo do hành lang pháp lý về giao dịch đảm bảo hiện mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành thiếu đồng bộ, dẫn tới chưa liên thông về cơ sở dĩ liệu về tài sản dảm bảo, biến động tài sản đảm bảo.

Đề xuất tăng vốn của Tổng giám đốc BIDV được đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Trong số 3 ngân hàng TMCP nhà nước, ngoài VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn thành công, cuối tháng 9/2021 vừa qua, Vietcombank cũng đã được Thủ tướng phê duyệt phương án  đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Riêng BIDV hiện vẫn chưa được Chính phủ thông qua phương án tăng vốn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn tham vọng. Theo đó,  BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%.

Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.

Ngân hàng cũng dự kiến chào bán thêm 8,5% vốn phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tính đến cuối năm 2020, hệ số CAR của BIDV chỉ ở mức 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Do đó, việc chào bán cổ phần riêng lẻ và chia cổ tức bằng cổ phiếu với BIDV là rất cấp bách.

Theo báo cáo tài chính bán niên, nửa đầu năm nay,  lợi nhuận thuần của BIDV đạt 23.527 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 3.199 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh khác kém khả quan.

Tổng cộng 6 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 23.545 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ.  Nửa đầu năm, ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tới 15.423 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ, nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 8.122 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020. Với con số này, BIDV đã hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 6 tháng.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của BIDV là 1,64 triệu tỷ đồng, tăng 8,6%, chủ yếu nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng và tăng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Nợ xấu là 21.139 tỷ đồng, giảm 230 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và chiếm tỷ lệ 1,63%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc nợ xấu cao, trích lập dự phòng lớn, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, bắt  đầu từ năm 2021, trích lập dự phòng rủi ro của BIDV sẽ giảm dần, lợi nhuận sẽ tăng dần.Việc giảm trích lập dự phòng rủi ro sẽ rất rõ ràng 5 năm tới, lợi nhuận cũng sẽ tăng mạnh. Theo ông Tú, kế hoạch kinh doanh của BIDV 5 năm tới là tăng trưởng lợi nhuận 24-38%/năm.  

Mặc dù vậy, Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nợ xấu có nguy cơ quay lại đang là thách thức lớn nhất với BIDV.

Tin liên quan
Tin khác