Chỉ số chứng khoán đi lên bất chấp “tin xấu”
Sau những phiên điều chỉnh mạnh xen kẽ ở tuần đầu tháng 8, VN-Index đóng cửa ngày 7/8 tăng 15,4 điểm (+1,26%) lên 1.241,4 điểm, xác lập mức cao nhất được ghi nhận kể từ giữa tháng 9/2022. Cả ba chỉ số duy trì trạng thái tăng điểm trong toàn bộ phiên giao dịch. Đồng thời, sắc xanh cũng áp đảo với số lượng mã chứng khoán tăng giá vượt trội.
VN-Index tiếp đà tăng, xác lập mức cao nhất từ tháng 9/2022. Nguồn: Trading View |
Không riêng tại Việt Nam, chứng khoán Mỹ cũng có phiên bật tăng mạnh mẽ trong ngày đầu tuần. Chỉ số Dow Jones tăng hơn 400 điểm (+1,2%), đã lấy lại đáng kể “mất mát” của tuần trước. Chứng khoán Mỹ điều chỉnh mạnh trước thông tin Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ hôm 1/8.
Động thái này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi cơ quan này cảnh báo xếp hạng của Mỹ đang bị đe dọa trước những vấn đề liên quan tới tới mâu thuẫn về việc tăng trần nợ. Từ năm 2011, Standard & Poor's (S&P) cũng hạ bậc tín nhiệm từ AAA xuống AA+. Với quyết định trên, chỉ còn một trong số ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm giữ bậc tín nhiệm của nền kinh tế số một thế giới ở mức AAA.
Tuần trước, Dow Jones giảm liên tiếp hai phiên ở đầu tuần. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng có thời điểm vọt lên 4,18% - cao nhất kể từ tháng 8/2022. Tuy nhiên, diễn biến đã đảo chiều nhanh chóng sau đó. Theo Alec Phillips - nhà kinh tế tại Goldman Sachs, việc hạ xếp hạng chủ yếu phản ánh những thách thức về quản trị và tài chính trung hạn, nhưng lại không phản ánh thông tin tài chính mới. Vị chuyên gia này nhận định động thái trên sẽ ít tác động trực tiếp đến thị trường tài chính vì không có khả năng có những người nắm giữ lượng lớn trái phiếu Kho bạc bị buộc phải bán dựa trên sự thay đổi xếp hạng.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, đánh giá về biến số từ bên ngoài mới xuất hiện trên, ông Sungsoo Na, Tổng giám đốc Chứng khoán Vina, công ty vận hành ứng dụng VNSC by Finhay cho rằng, tác động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất hạn chế.
Nguyên nhân bởi có sự khác biệt lớn giữa lần hạ tín nhiệm này với hồi năm 2011. Cụ thể, theo ông Sungsoo Na, các yếu tố chính gây ra cú sốc nghiêm trọng năm 2011 là động lực kinh tế yếu, khủng hoảng tài chính gia tăng,... bên cạnh chính việc điều chỉnh xếp hạng. Trong khi đó, tại thời điểm này, môi trường vĩ mô đã có sự khác biệt với sự phục hồi của các chỉ số tổng hợp hàng đầu cũng như chỉ số sản xuất ISM ở mỗi quốc gia và tính linh hoạt của chính sách tiền tệ.
“Do vậy, việc hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ gần đây sẽ không có tác dụng kích hoạt xu hướng điều chỉnh thị trường chứng khoán. Và đặc biệt, tác động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất nhỏ, do mức độ có thể bị ảnh hưởng từ thị trường tín dụng/ngoại hối Mỹ khá hạn chế cũng như tương quan thấp của giữa các thành viên thị trường tại Việt Nam và các khu vực khác”, ông Sungsoo Na nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ có biến động cao hơn một chút trong quý III trong bối cảnh chung bị tác động bởi quyết định hạ bậc tín nhiệm trên nhưng sẽ rất khó để thấy tâm lý nhà đầu tư suy yếu.
Cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hứa hẹn
Nhận định về các yếu tố chính sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, ông Sungsoo Na chỉ ra 4 yếu tố cần lưu tâm là lãi suất, đầu tư công, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tỷ giá. Với việc thị trường chứng khoán gần đây dựa nhiều hơn vào dòng vốn nội, xu hướng lãi suất và câu chuyện đầu tư công ảnh hưởng nhiều hơn đến diễn biến thị trường.
Ông Sungsoo Na, Tổng giám đốc Chứng khoán Vina (VNSC) |
“Trong ngắn hạn, lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nội chuyển dịch sang các tài sản rủi ro. Như chúng ta có thể thấy, thị trường chứng khoán đã tăng điểm đáng kể trong nửa đầu năm nay kể từ khi NHNN bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành”. Ông Sungsoo Na cũng đánh giá dư địa cho nhu cầu trong nước trên thị trường cổ phiếu còn lớndo tỷ trọng tiền gửi ngân hàng vẫn khá cao. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất thấp sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh việc mở rộng công suất khi nền kinh tế phục hồi. Điều này sẽ là chất xúc tác trung hạn cho thị trường.
Về câu chuyện đầu tư công, Tổng giám đốc VNSC nhận định chi tiêu của chính phủ sẽ là yếu tố duy trì tăng trưởng kinh tế và cải thiện nhu cầu trong ngắn hạn. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng sẽ là yếu tố then chốt để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán.
Đánh giá về các kênh đầu tư trong nửa cuối năm 2023, Ông Sungsoo Na nhận định thị trường chứng khoán nửa cuối năm nay vẫn rất hứa hẹn do mức giá đang tương đối hấp dẫn và hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm dẫn dắt nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng có thể thấp hơn và biến động nhiều hơn, đặc biệt là trong tháng 8 và tháng 9 trước những tác động từ thị trường chứng khoán thế giới cùng các vấn đề toàn cầu gần đây.
Bên cạnh kênh cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng đang cho những tín hiệu tốt trong nhóm các tài sản mang về thu nhập cố định. Theo vị CEO từ VNSC, việc cải thiện tính minh bạch và việc các khoản nợ trái phiếu bất động sản dần lắng xuống có thể giúp nhà đầu tư tìm thấy một số cơ hội tốt từ các tổ chức phát hành lành mạnh, có uy tín để mang về lợi suất tốt hơn so với mức lãi suất thấp của tiền gửi ngân hàng.
Các nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại khi xác nhận lại niềm tin thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự đảo chiều mạnh mẽ từ cuối tháng 4/2023. Cùng với xu hướng đi lên của điểm số, giá trị giao dịch hàng ngày sau khi chạm đáy từ tháng 3 cũng đã “thăng hoa” trên cả 3 sàn. Thanh khoản hồi phục có tương quan chặt chẽ với dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước. Trong khi đó, khối ngoại đã đảo chiều bán ròng kể từ tháng 4/2023.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến xu hướng bán ra của khối ngoại, ông Sungsoo Na cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nhà phát triển bất động sản có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tài chính bao gồm cả ngân hàng và các tổ chức hỗ trợ tín dụng khác. Một số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN khiến khối ngoại thận trọng hơn về quan điểm đối với nền kinh tế thực của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu hơn. Việc điều hành lãi suất ngược hướng với hầu hết các quốc gia khác khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc phân tích thị trường và chuyển sang các thị trường khác, tập trung vào các cổ phiếu ở lĩnh vực AI, chất bán dẫn, robot,…
Sẽ khó để thấy được nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, nhưng vị CEO này cũng tin tưởng dòng vốn ngoại sẽ quay lại thị trường khi họ xác nhận niềm tin của thị trường với lạm phát giảm, hệ thống ngân hàng, và thị trường chứng khoán toàn cầu.