Ngân hàng - Bảo hiểm
CEO HSBC Việt Nam: Tỷ giá nóng lên là do cầu thực
Thùy Liên - 05/12/2015 08:39
Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng, việc đồng Nhân dân tệ được đưa vào "rổ tiền tệ" của IMF và khả năng Fed tăng lãi suất không phải là yếu tố bất ngờ mà đã được phản ánh trong diễn biến tỷ giá, do đó, tác động của hai yếu tố này tới tỷ giá thời gian tới là không nhiều. CEO HSBC cũng đưa ra dự báo diễn biến tỷ giá cho năm 2016 và lý giải nguyên nhân tỷ giá biến động nửa tháng gần đây.

Thưa ông, đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc được đưa vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10/2016 sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam?

Một khi CNY được vào rổ tiền tệ của IMF thì biến động của CNY sẽ nhiều hơn trước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam  và chúng ta đang thâm hụt thương mại lớn từ Trung Quốc  nên chắc chắn nếu CNY biến động mạnh sẽ tác động nhất định đến đồng việt Nam.

Tuy nhiên, việc Việt Nam không cho phép sử dụng CNY cũng như các ngoại tệ khác sẽ làm giảm thiểu tác động đồng NDT với tỷ giá. Hơn nữa, hiện cán cân thanh toán tổng thể đang dương nên áp lực phá giá lên đồng nội tệ không lớn như các đồng tiền khác. 

Ngoài diễn biến của CNY, giữa tháng 12/2015, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất. Điều này sẽ tác động như thế nào đến chính sách điều hành tỷ giá của NHNN, thưa ông?

Fed tăng lãi suất là khả năng có thể xảy ra. Nhưng chúng ta thấy rằng, Fed  cũng không chắc chắn về tương lai tăng trưởng của kinh tế toàn cầu nên họ sẽ không dám đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suát sau đợt tăng có thể diễn ra vào tháng 12 này.  Họ sẽ quan sát thận trọng diễn biến kinh tế thế gới trước khi có những bước tiếp theo. Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất rất chậm.

Hơn nữa, cả yếu tố Fed tăng lãi suất và CNY vào giỏ SDR đều không còn là yếu tố quá bất ngờ hoặc ảnh hưởng quá mạnh lên tỷ giá tiền đồng/USD. Cả hai yếu tố này đã nằm trong dự báo của thị trường và đã được phản ánh đầy đủ trong diễn biến tỷ giá. Dó đó, khi hai sự kiện này xảy ra sẽ không biến động nhiều đến tỷ giá VNĐ/USD.

Cái chúng ta cần lưu ý khiện nay là bản thân tiền đồng đang nằm trong nhóm đồng tiền của các nước đang phát triển. Đây là nhóm đồng tiền dễ bị tác động bởi bất kỳ biến động kinh tế, chính trị nào trên thế giới. Tuy nhiên, lợi ích của Việt Nam

chưa mở cửa hoàn toàn thị trường tài chính nên tác động từ bên ngoài cũng sẽ được giảm thiểu.

Tôi nghĩ, mục tiêu cao nhất mà NHNN đặt ra trong năm 2016  vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và  tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Dù vậy, tỷ giá vẫn phải  điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường và theo biến động thị trường quốc tế, đảm bảo hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh tốt.

Vậy theo ông, mức độ điều chỉnh tỷ giá năm nay sẽ là bao nhiêu?

Tôi nghĩ, năm 2016, NHNN vẫn nhắm vào mục tiêu ổn định tỷ giá ở mức 2-3%. Dĩ nhiên, đó là trong bối cảnh thị trường thế giới diễn ra bình thường. Còn nếu thị trường thế giới có biến động mạnh , ví dụ biến động của CNY, USD hoặc bất ổn từ các nước đang phát triển… thì tỷ giá có thể phải điều chỉnh linh hoạt hơn.

Khoảng một tháng nay, USD tăng giá rất mạnh. Chỉ tính riêng một tháng qua, đồng USD đã tăng 200 đồng/USD. Vậy nguyên nhân là gì, thưa ông?

Tỷ giá VNĐ/USD đã được điều chỉnh mạnh sau khi Trung Quốc phá giá kỷ lục CNY vào tháng 8/2015. Trong tháng 10/2015, USD đã có những cơn sóng nhỏ mà nguyên nhân theo tôi phần nhiều là do yếu tố tâm lý của thị trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ cuối tháng 11 đến nay, tỷ giá tăng theo tôi chủ yếu là do nhu cầu thực. Cuối năm nhu cầu nhập khẩu của DN tăng lên. Bên cạnh đó, nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, nhu cầu đầu tư mở rộng nhà xưởng của DN tăng lên, cùng với nhập khẩu trang thiết bị, máy móc tăng.

Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng, thời gian qua NHNN đã tích cực can thiệp thị trường, bán lượng ngoại tệ lớn can thiệp thị trường để đảm bảo tỷ giá không vượt mức trần cho phép.

Tin liên quan
Tin khác