Doanh nghiệp
CEO Lê Hồng Thủy Tiên: IPPG sẽ kinh doanh thương mại điện tử chuyên về hàng xa xỉ
Anh Hoa - 10/07/2019 16:47
Để thống lĩnh ở thị trường bán lẻ hàng xa xỉ ở Việt Nam trong 10 năm tới, IPPG có chiến lược kinh doanh thương mại điện tử chuyên về thời trang với hơn 100 thương hiệu chính hãng.

Thông tin trên được bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám Đốc IPPG tiết lộ tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2019 mới đây ở Basel (Thụy Sĩ). 

Trong phiên làm việc về chủ đề “Những thay đổi và thách thức trong ngành kinh doanh Thời trang”, bà Thủy Tiên khẳng định, các nhà đầu tư các thương hiệu quốc tế rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho sự phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế. Các quy định, quy chế quản lý hiện hành, môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và chào đón tất cả các doanh nghiệp đến kinh doanh và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam và tạo nhiều dấu ấn trên thị trường thời trang quốc tế

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và một số người tiêu dùng chưa tiếp cận được về trải nghiệm các giá trị của thương hiệu đẳng cấp. IPPG không chỉ đang bán hàng hóa mà còn đang định hình các trải nghiệm thực tế cho người tiêu dùng về giá trị của thương hiệu cao cấp trên quy mô tiêu chuẩn quốc tế

“Có những thách thức mà tất cả các nhà bán lẻ cần cẩn trọng và sẵn sàng đối phó: lạm phát, những biến đổi khó lường trước của nền kinh tế thế giới, hàng giả, thị trường xách tay, hàng lậu, nhân lực, vị trí đắc địa khó tìm trong kinh doanh hàng hiệu…", bà Thủy Tiên chia sẻ. 

Mặc dù có nhiều thách thức như thế, nhưng các thương hiệu đã tự chủ động tìm đến IPPG để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Mặc dù vậy, IPPG không đặt nặng việc mỗi năm phải đưa bao thương hiệu xa xỉ vào Việt Nam mà tập trung việc các thương hiệu đang phân phối có mức độ tăng trưởng và làm hài lòng bao nhiêu “thượng đế” mỗi năm.

Hiện IPPG đang chiếm lĩnh 70% thị phần hàng hiệu cao cấp và phân phối cho hơn 100 thương hiệu nổi tiếng thế giới với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 20% hàng năm

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, bà Thủy Tiên cũng tiết lộ để tiến vào làm mảng kinh doanh thương mại điện tử chuyên về hàng xa xỉ, công nghệ phải được đầu tư bài bản hơn. IPPG đã đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng, hệ thống ERP, bao gồm: HRM, CRM, Loyalty và Hệ thống bán lẻ thông minh.

Theo dự báo, doanh số bán các mặt hàng xa xỉ cá nhân tiếp tục tăng lên, hiện chiếm tới 9% tổng doanh số bán toàn cầu và sẽ chiếm 25% vào năm 2025. Cụ thể, tổng doanh thu hàng hóa xa xỉ gồm đồng hồ, nữ trang, quần áo, giày dép và đồ da năm 2018 ước đạt khoảng 300 tỷ USD.

Theo hãng tư vấn EY, trước khi người tiêu dùng đến các cửa hàng trực tiếp mua món đồ đó, họ đã lên mạng để xem trước món hàng và quyết định mua ngay khi xem trên mạng. Xu hướng lên web xem trước rồi mới đến cửa hàng mua sản phẩm đang ngày càng phổ biến: tới 68% các giao dịch mua hàng xa xỉ của thế hệ millennial (những người trong độ tuổi từ 18-35, lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội) đều chịu ảnh hưởng bởi yếu tố kỹ thuật số.

Tin liên quan
Tin khác