Được biết, hiện chuỗi Phúc Long có 47 cửa hàng và Starbucks vận hành 51 cửa hàng tại Việt Nam. Trong khi đó, Công ty cổ phần TMDV Trà Cà phê Việt Nam hiện có hơn 160 cửa hàng The Coffee House và dự kiến mở mới 40 cửa hàng trong năm 2019.
“Chuỗi cà phê có nhiều cái tên nổi trội, đặc biệt thương hiệu trong nước, đó là tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi đang đi trên con đường riêng của mình, đó là làm cà phê tử tế, sạch và nguyên bản. Đó là lý do vì sao The Coffee House thực hiện Chiến dịch “From Farm to Cup” và đã tiêu thụ khoảng 300 tấn cà phê trong toàn chuỗi. Dù con số này còn quá nhỏ so với hơn 1,6 triệu tấn xuất khẩu của cả nước nhưng chỉ có tập trung vào chất lượng mới là giải pháp hiệu quả nhất cho ngành cà phê Việt Nam”, Nguyễn Hải Ninh nói về quá trình bắt đầu Chiến dịch “From Farm to Cup”, ngay thời điểm mà vụ cà phê 2018-2019 trở cuộc khủng hoảng lớn nhất trong một thập kỷ qua của ngành cà phê nước nhà.
Gía cà phê giảm khoảng 16% trong năm 2018, nông dân bán vườn hoặc thay cà phê bằng cây trồng khác khiến diện tích trồng trên cả nước giảm khoảng 15%, Hiệp hội Cà phê- Ca Cao Việt Nam ước tính thiệt hại của đợt khủng hoảng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Sau khi mua mảng cà phê của Cầu Đất Farm đầu năm 2018, diện tích khoảng 50 hecta này chủ yếu được sử dụng cho việc trồng, nghiên cứu các giống cà phê. Song song đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cà phê trong chuỗi, The Coffee House vẫn phải thu mua từ hàng trăm hecta của các nông hộ tại nhiều tỉnh, thành như Gia Lai.
Năm 2018, The Coffee House tiêu thụ 300 tấn cà phê, gấp 3 lần năm 2017 và dự kiến sẽ tăng con số này lên 10-15% trong năm nay. Đại diện The Coffee House cho rằng, họ là “công ty nội địa tiêu thụ nhiều cà phê chất lượng cao nhất Việt Nam”.
Tiêu thụ nội địa hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cả nước. The Coffee House cũng bắt đầu xuất khẩu cà phê sang Mỹ từ 2018 và dự kiến, sản lượng sẽ đạt 20 tấn trong năm nay, gấp đôi năm 2018.
Tính chung cả năm 2018, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng 20% về lượng (đạt hơn 1,8 triệu tấn) nhưng giá trị mang về chỉ tăng 1,2% với khoảng 3,5 tỷ USD, so với năm 2017. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba về nguồn cung cà phê vào Mỹ, sau Brazil và Colombia nhưng lượng cà phê nhập vào trong năm 2018 lại giảm hơn 10% và giảm đến 24% về giá trị. Và trong 10 nguồn cung cà phê lớn nhất vào quốc gia này, giá cà phê nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt mức thấp nhất, khoảng 1.881 USD/tấn, trong khi mức giá cao nhất đến từ Canada, với gần 8.400 USD/tấn.
“Chỉ có nâng cao chất lượng mới có thể giải quyết thực trạng của ngành cà phê Việt Nam. Một cánh én như The Coffee House không thể làm nên mùa Xuân nhưng mùa Xuân luôn cần có những cánh én đầu tiên xuất hiện”, Nguyễn Hải Ninh đặt niềm tin vào chiến dịch “From Farm to Cup” đang thực hiện của chuỗi trong việc thu mua, kiểm soát quy trình sơ chế tại nông hộ, hỗ trợ canh tác,…cho nông dân.