Nhắm đến khu vực đông dân cư
“Bách Hóa Xanh” là cụm từ được nhiều nhà đầu tư "xoay" CEO Nguyễn Đức Tài trong buổi gặp mặt mới đây tại TP.HCM.
Trước khi chọn Bách Hóa Xanh, ông Tài cho biết đã “cân đo đong đếm” nhiều loại hình kinh doanh khác như thời trang, mỹ phẩm, giày dép…và kết quả cuối cùng, ông chọn mô hình buôn thực phẩm với Bách Hóa Xanh.
Lý do, theo ông tài là tổng giá trị thị trường nhu yếu phẩm là 60 tỷ USD gấp 10 lần tổng giá trị thị trường điện thoại và điện máy. Và dù, thị trường đã có nhiều đơn vị kinh doanh loại hình này như Co.op Mart, BigC, Satra..., nhưng Bách Hóa Xanh sẽ vận hành riêng theo kiểu “mua nhanh với giá không mắc”.
Thế giới Di động không phải là “bếp ăn từ thiện” để nuôi Bách Hóa Xanh. |
“Hết giai đoạn I, khách hàng đến Bách Hóa Xanh là những bà nội trợ thật sự, chứ không phải là những học sinh mặt búng ra sữa đến các cửa hàng tiện lợi như Cirlke K, Family Mart. Như vậy, không thể so sánh Bách Hóa Xanh với cửa hàng tiện lợi. Bách Hóa Xanh hướng đến nhanh (dưới 15 phút), giá ngang bằng các siêu thị, vì tâm lý các bà nội trợ là muốn nhanh để về với gia đình chứ không có nhu cầu đi dạo như trong đại siêu thị hay chợ truyền thống ướt át, phải mặc cả”, ông Tài nói.
Tính đến thời điểm này, Bách Hóa Xanh có 35 cửa hàng, doanh thu một tháng khoảng 1 tỷ đồng/cửa hàng có diện tích từ 100 m2 - 200 m2 tại quận Bình Tân, TP.HCM. Một khu vực có nhiều siêu thị lớn như Aeon Mall, Big C…
Và giai đoạn II, từ nay đến hết năm 2017 nhằm đánh giá lãi gộp chi phí của cửa hàng bao gồm 1 nhà kho phục vụ 80 cửa hàng.
CEO Nguyễn Đức Tài cũng khẳng định sau giai đoạn này sẽ chứng minh Thế giới Di động không phải là “bếp ăn từ thiện” để nuôi Bách Hóa Xanh, mà Bách Hóa Xanh sẽ là mô hình có lợi nhuận sau khi đã trừ hết các khoản chi phí như nhân viên, điện, nước…Nếu có lợi nhuận, từ năm 2018, Bách Hóa Xanh sẽ được nhân bản và triển khai cụm kinh doanh trên các tỉnh thành của Việt Nam.
Dư địa còn nếu biết chọc đúng phân khúc
Tiềm năng thị trường lớn và thị phần trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống cũng còn rất lớn. Bách Hóa Xanh cũng chỉ là bước khởi đầu và vẫn có xác suất thất bại đặc biệt với 2 bài toán là nguồn cung và kiểm soát chất lượng.
Nhiều nhà đầu tư tại buổi gặp mặt lo ngại về vấn đề an toàn của thực phẩm và đặt câu hỏi “khi nào Bách Hóa Xanh sẽ có nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng thay vì chỉ nhanh và rẻ như hiện nay?”. Ông Tài nói: “Cho tôi nợ chuyện thực phẩm an toàn từ 1-2 năm nữa”, nghĩa là kết thúc năm 2017, khi Bách Hóa Xanh cán mốc 200 cửa hàng với doanh thu 200 tỷ đồng/tháng mới có đủ lực để mua hàng trực tiếp nhà sản xuất thay vì mua từ nhà bán sỉ và nhà phân phối nhỏ như hiện nay.
Được biết, để đầu tư vào một cửa hàng Bách Hóa Xanh, Thế giới Di động phải bỏ ra khoảng 50.000 USD. Nhưng bù lại, ông Tài tiết lộ, buôn thực phẩm tươi sống là “bán một lời hai” chứ lợi nhuận không thấp.
Quan điểm kinh doanh của Bách Hóa Xanh là chỉ tập trung vào khách hàng “mua lâu dài chứ không phải những khách hàng “dễ bay hơi”, thấy rẻ ở đâu thì mua ở đó”. Với những nơi mật độ dân cư cao, cứ đi khoảng 10 phút sẽ có một cửa hàng Bách Hóa Xanh, nghĩa là độ phủ, điều này không phải đại siêu thị, siêu thị nhỏ nào cũng có thể làm được.
“Đề bài của Bách Hóa Xanh rất đơn giản. Bách Hóa Xanh không giải bài toán đám đông mà chỉ cung cấp các loại thực phẩm phổ biến nhất như rau củ, nước mắm, dầu ăn, thịt heo ba rọi, nạc thăn…chứ không cung cấp đuôi heo, tai heo hay kéo, kìm…như các siêu thị khác. Đến Bách Hóa Xanh có thể mua đủ sản phẩm cho cả gia đình trong 1 tháng không cần đi đâu khác”, ông Tài cho biết.