Các cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm 191.191.377 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu theo phương pháp thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm |
Tăng trưởng bền vững
Đây là một trong những thông điệp được HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2017 diễn ra hôm 20/6.
Sự thỏa mãn là điều có thể nhận thấy từ các cổ đông sau khi HĐQT và Ban điều hành Vietnam Airlines đã dành hơn 1 tiếng, dài gấp đôi dự kiến để giải đáp sòng phẳng, thuyết phục hàng chục câu hỏi hóc búa liên quan đến kế hoạch SXKD và việc xác lập vị thế của hãng trong bối cảnh thị trường hàng không đang cạnh tranh gay gắt.
"Vietnam Airlines không phải là công ty thấy người ta làm cái gì thì làm theo, không phải là công ty không có chiến lược hành động của mình", ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nói khi một cổ đông so sánh cổ phiếu của hãng (mã chứng khoán HVN) này với các hãng hàng không giá rẻ.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines khẳng định là vẫn kiên trì tích lũy và hoàn thiện những nền tảng cần thiết cho mục tiêu tăng trưởng ổn định, bền vững và sự hài lòng của hành khách.
“Chiến lược kinh doanh của Vietnam Airlines hiện nay là tiếp tục hoàn thiện đưa ra thị trường dải sản phẩm đa dạng, đem lại lợi thế cạnh tranh, trong đó Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập cao và trung bình; Jetstar Pacific hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập thấp”, ông Minh cho biết.
Tuy nhiên, định hướng của Vietnam Airlines đối với việc phát triển hàng không giá rẻ với Jetstar Pacific là thực hiện cân đối trong mạng bay, phát triển vừa đủ để đảm bảo thị phần; duy trì VASCO tại các đường bay ngắn, gom khách từ các sân bay nhỏ lẻ cho hai hãng hàng không trong nhóm. Đối với hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines hướng đến khách hàng trung thành thông qua chương trình khách hàng thường xuyên Bông Sen Vàng và giữ chân, thu hút hành khách bằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới tiêu chuẩn 5 sao theo tiêu chuẩn của Skystrax.
“Vietnam Airlines mang vị thế là hãng hàng không quốc gia, chúng tôi có trách nhiệm phát triển bền vững vì lợi ích của cổ đông đồng thời có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và nâng cao vị thế đất nước”, ông Minh khẳng định.
Liên quan đến giá cổ phiếu HVN, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines cho biết, khi CPH, Tổng công ty đã thuê các tổ chức tư vấn để định giá theo tiêu chuẩn quốc tế. Tại thời điểm đó, các tổ chức định giá HVN là 22.300 đồng/cổ phần. Đến tháng 1/2017, một lần nữa cổ phiếu HVN được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá lại và chào sàn giá 28.000 đồng. Trong 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu cũng giao động trong khoảng giá 26.000- 29.000 đồng, tức sát với chuẩn mực của 1 hãng hàng không mang tính chuẩn mực cao có các chỉ tiêu sinh lời; chỉ tiêu chất lượng dịch vụ, các yếu tố nội tại đều tốt và giá cổ phiếu ổn định.
“Với thị giá dao động khoảng 27.000 đồng/cổ phần, giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines vào khoảng 1,4 tỷ USD. Giá trị vốn hóa như vậy là cao nếu so với Thái Airway là 1,17 tỷ; Garuda 0,67 tỷ USD. Hãy nhìn vào các hãng hàng không truyền thống mang tầm quốc tế để đánh giá và có quyết định của mình”, ông Hiền cho biết.
Chia sẻ với đánh giá của ông Hiền, ông Dương Trí Thành, CEO Vietnam Airlines cho biết, với tư cách là nhà đầu tư, cá nhân ông sẵn sàng đầu tư, nắm giữ cổ phiểu HVN trong dài hạn.
Định hướng của Vietnam Airlines đối với việc phát triển hàng không giá rẻ với Jetstar Pacific là thực hiện cân đối trong mạng bay, phát triển vừa đủ để đảm bảo thị phần |
Tăng vốn điều lệ
Liên quan đến nghiệp vụ Sales & Lease back, với tư cách là Trưởng ban tài chính của Vietnam Airlines, ông Hiền cho biết, quan điểm xuyên suốt của hãng là hướng tới cơ cấu lại nguồn vốn kinh doanh, giảm tỷ lệ nợ mà không vì mục tiêu lợi nhuận. Và thực tế khi thực hiện phương thức này, giá thuê máy bay cạnh tranh hơn nhiều so với trước đây.
Ông Hiền cũng thông tin thêm là Vietnam Airlines đã lên kế hoạch chuyển niêm yết trên sàn chính thức HoSE hoặc HNX vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
“Vietnam Airlines lên sàn UPCoM không phải vì không minh bạch. Từ năm 2001, Tổng công ty đã hội nhập quốc tế tham gia thị trường quốc tế với dư nợ tín dụng hàng tỷ USD. Đòi hỏi về độ minh bạch của các nhà tài trợ quốc tế còn cao hơn nhiều so với yêu cầu tại thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Hiền khẳng định.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đánh giá cao đề xuất tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ định kỳ với các nhà đầu tư và sẽ sớm nghiên cứu thực hiện, coi đây là một kênh thông tin, kết nối quan trọng hữu ích giữa hãng với các nhà đầu tư.
Tại Đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, bao gồm các nội dung sau: Báo cáo kết quả SXKD năm 2016 và các chỉ tiêu chính của kế hoạch SXKD năm 2017; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2016 và định hướng hoạt động năm 2017; Báo cáo tài chính và phương án phân phối lợi nhuận, trích các quỹ năm 2016; Báo cáo hoạt động của BKS năm 2016 và định hướng hoạt động năm 2017; Báo cáo tiền lương, thù lao của HĐQT, BKS năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Phương án tăng vốn điều lệ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Năm 2016, Vietnam Airlines đã đạt được kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng vượt bậc so năm 2015 và đạt kỷ lục mới cao nhất từ trước đến nay: vận chuyển gần 140.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối và hơn 20,6 triệu lượt hành khách, tăng tương ứng hơn 13% và 21%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.601 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm trước. Cùng với đó, năng suất lao động cũng tiếp tục tăng ở mức hai con số và tiền lương bình quân của người lao động các lĩnh vực tăng từ 4,7% đến 12,8%, sau khi đã được tăng cao từ 12 - 28% năm 2015.
Về kết quả tài chính năm 2016, tổng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty Mẹ Vietnam Airlines được phân phối là 1.737,1 tỷ đồng, trong đó trích 736,52 tỷ đồng để thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông. Với khoản chia lợi nhuận này, các cổ đông của Vietnam Airlines sẽ nhận cổ tức 6% bằng tiền mặt cho năm tài chính 2016.
Các cổ đông Vietnam Airlines cũng đã thông qua phương án phát hành thêm 191.191.377 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu theo phương pháp thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Số tiền thu được từ đợt phát hành trên sẽ dùng làm vốn đối ứng cho Dự án mua máy bay 8 Boeing 787-9 và 10 máy bay Airbus 350 trong giai đoạn 2017-2019 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 được Đại hội cổ đông thông qua, Vietnam Airlines phấn đấu đạt tổng sản lượng vận chuyển khách là hơn 22,5 triệu lượt khách; doanh thu hợp nhất là 87.900 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 66.872 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 1.638 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 1.256 tỷ đồng.
“Tổng công ty sẽ tập trung các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển bền vững, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tối đa lợi ích cho các cổ đông”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định.