“Cú vét chót” của nhà mạng
Ngày 28/2 là ngày cuối cùng mà các nhà mạng được phép khuyến mại đến 50% giá trị thẻ nạp cước viễn thông, bởi từ ngày 1/3, theo Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%. Đây là dịp cuối cùng để các nhà mạng tận dụng chính sách tăng doanh thu, nên các nhà mạng lớn Viettel, MobiFone và Vinaphone đều tung ra chương trình nạp thẻ khuyến mại.
Đối với khách hàng, ngày 28/2/2018 là “ngày nạp thẻ toàn quốc” trước khi chính sách khuyến mại tràn lan chấm dứt, nên đã xuất hiện hiện tượng nghẽn mạng nạp thẻ.
Từ ngày 1/3/2018, các nhà mạng chỉ được phép khuyến mại trả trước không quá 20%, khuyến mại trả sau không quá 50%. |
Phóng viên Báo Đầu tư đã thực hiện nạp tiền vào tài khoản Viettel suốt cả sáng ngày 28/2, nhưng hệ thống trên Bank Plus của Viettel đã không thể thực hiện được. Khảo sát nhanh các thuê bao Viettel, VinaPhone, MobiFone trong ngày 28/2 cho thấy, đã xuất hiện hiện tượng nghẽn mạng do cùng lúc có một lượng lớn khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán nạp/mua thẻ trên các hệ thống điện tử kết nối với nhà mạng.
Điều đáng chú ý trong ngày 28/2 là hình thức nạp thẻ đã có sự thay đổi lớn. Hình thức nạp thẻ thủ công, cơ học là mua thẻ cào vật lý, cào mã số, ấn mã nạp thẻ đã thay bằng hình thức nạp qua các bankplus, ví điện tử, App…
Đại diện ví điện tử ZaloPay cho biết, chỉ trong buổi sáng ngày 28/2, số lượt nạp điện thoại tăng hơn 10 lần, tổng giá trị nạp tiền tăng hơn 20 lần. Mệnh giá nạp cũng có sự thay đổi lớn, người dùng có xu hướng nạp mệnh giá trên 300.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ là 50.000 đồng. Trong đó, số lượng người dùng nạp thẻ MobiFone dẫn đầu và tăng đến hơn 12 lần so với ngày thường. Một số nhà mạng có dấu hiệu bị quá tải dẫn tới thực hiện giao dịch chậm.
Còn theo thống kê từ ví điện tử MoMo, so với ngày thường, giao dịch nạp tiền điện thoại MobiFone tăng 4 lần, Vinaphone tăng 3,5 lần, giao dịch mua mã thẻ Viettel tăng 6 lần chỉ trong buổi sáng 28/2.
Thuê bao trả sau có tăng?
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT là nhằm đảm bảo quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Năm 2017, mặc dù đã có 28 triệu sim thuê bao có dấu hiệu nghi vấn được phát hiện, trong đó thu hồi 24 triệu sim, đã chặn được 214 triệu tin nhắn, nhưng nhà mạng vẫn tiếp tục chạy đua thu hút thuê bao mới, nên hiện tượng lợi dụng thuê bao trả trước để nhắn tin quảng cáo, tin nhắn lừa đảo, tin nhắn có nội dung không lành mạnh vẫn xuất hiện tràn lan. Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trả sau, Thông tư quy định thuê bao trả trước chuyển sang trả sau vẫn được hưởng mức khuyến mại không quá 50%. Điều đó có nghĩa là thông tư này nhằm khuyến khích phát triển thuê bao trả sau.
Theo số liệu công bố mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông thì tỷ lệ thuê bao di động trả trước của Việt Nam đang cao gấp 1,25 lần mức trung bình của thế giới, gần xấp xỉ với mức của các quốc gia kém phát triển nhất thế giới.
Số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, Việt Nam có 121,665 triệu thuê bao di động, trong đó có tới 115,183 triệu thuê bao trả trước, tương ứng với tỷ lệ 95%. Chỉ có 5% thuê bao trả sau. Trong khi đó, tỷ lệ thuê bao trả trước trung bình của thế giới đang ở mức 76%.
Lý do thuê bao trả trước tại Việt Nam phát triển được xác định là việc cơ quan quản lý, nhà mạng nới lỏng, “mở cửa” hết cỡ cho khách hàng của nhà mạng. Trong khi thuê bao trả sau không được chú trọng phát triển bởi chậm và cần nhiều thủ tục. Phần lớn các thuê bao trả sau đều là nhóm khách hàng doanh nghiệp, khách hàng được cơ quan thanh toán cước điện thoại hàng tháng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thuê bao trả sau là nhóm khách hàng trung thành, cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin cho nhà mạng khi đăng ký dịch vụ, nhưng lại ít được hưởng chính sách khuyến mại. Chính vì vậy, tại thông tư mới ban hành, cho phép khuyến mại với thuê bao trả sau tới 50%.
Tuy nhiên, hiện tại, các nhà mạng vẫn chưa chuẩn bị kế hoạch, chính sách khuyến mại cho thuê bao trả sau. Điều đó đồng nghĩa với việc, rất có thể, thời gian đầu áp dụng Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT, lượng thuê bao trả trước chuyển sang trả sau chưa thể phát triển như kỳ vọng.