- TP.HCM giảm chỉ tiêu tăng trưởng GRDP còn 8% thay vì 8,5%
- [Infographic] 6 tháng năm 2020, GRDP thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,02%
- Đà Nẵng: Ban hành nhiệm vụ, giải pháp, điều hành, chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 2020
- [Infographic] Hà Nội: GRDP năm 2019 ước tăng 7,46%, cao nhất trong 4 năm
57/63 địa phương đã sử dụng số liệu GRDP giai đoạn 2010-2020 do TCTK công bố để xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng |
Sau 5 năm thực hiện Đề án 715/QĐ-TTg, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết đã thu hẹp khoảng cách về quy mô cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa công bố của địa phương và Trung ương.
Quy mô GDP và GRDP chỉ còn chênh lệch dưới 4%
Nếu như trước đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương ít nhất cũng từ 10% trở lên, quy mô nền kinh tế của các địa phương cộng lại lớn hơn rất nhiều quy mô của cả nền kinh tế. Đơn cử giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các địa phương (GRDP) trên 10%, có địa phương tăng 15-17%, nhưng GDP của cả nền kinh tế chỉ tăng 5,95%.
“Nhưng từ khi thực hiện Quyết định 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh (Đề án 715) khoảng cách chênh lệch số liệu giữa GRDP và GDP những năm 2017-2020 về quy mô chỉ còn dưới 4% so với mức trên 30%, về tốc độ chỉ còn dưới 1% so với 5-6% của những năm trước. Kết quả đổi mới, hoàn thiện nghiệp vụ biên soạn và nâng cao chất lượng số liệu đồng thời cả GRDP và GDP là thành công kép của quá trình triển khai thực hiện Đề án 715 trong 5 năm vừa qua”, ông Hùng nhấn mạnh.
Giải thích về việc thu hẹp được khoảng cách chênh lệch số liệu giữa quy mô GRDP, GDP cũng như tốc độ tăng trưởng, ông Hùng cho biết, là do thay vì việc để địa phương tự tính toán và xác nhận GRDP, thì kể từ năm 2017, TCTK trực tiếp biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo nguyên tắc 3 cùng: địa phương cùng Trung ương trực tiếp biên soạn; cùng phương pháp tính toán; và cùng nguồn số liệu đầu vào và số liệu trung gian.
“Nguyên tắc biên soạn này đã khắc phục được tình trạng vận dụng phương pháp tính thiếu nhất quán diễn ra khá phổ biến trong những năm biên soạn và công bố GRDP phân tán tại các cục thống kê trước đây; đồng thời, tạo điều kiện kiểm soát và quản lý chất lượng, đối chiếu, so sánh số liệu GDP và GRDP dễ dàng, thuận lợi hơn”, ông Hùng phát biểu.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK, những năm gần đây, biên soạn và công bố GRDP theo Quy trình mới được TCTK tiến hành đồng thời với biên soạn và công bố GDP. Kết quả cho thấy, chất lượng số liệu của cả 2 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng này đều nâng lên rõ rệt. “TCTK đã nhận biết rõ hơn những bất cập không chỉ trong biên soạn GRDP, mà cả trong biên soạn GDP. Trên cơ sở nhận biết đó, song song với việc triển khai biên soạn và công bố GRDP theo Quy trình mới, TCTK đã chú trọng hoàn thiện quy trình nghiệp vụ biên soạn nhằm nâng cao tính đầy đủ của số liệu GDP”, bà Hương cho biết.
Cũng theo bà Hương, chất lượng đảm bảo, kỳ biên soạn và thời gian công bố ổn định nên số liệu GRDP 4 năm vừa qua được các đối tượng, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương tin cậy sử dụng. “Kết quả cuộc Khảo sát tháng 9/2020 cho thấy, lãnh đạo của 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thống nhất sử dụng số liệu GRDP giai đoạn 2017-2020 do TCTK trực tiếp biên soạn và công bố. Trong cuộc khảo sát vừa được TCTK thực hiện (tháng 11/2020) về sử dụng số liệu thống kê trong xây dựng Văn kiện Đại hội đảng của các địa phương, lãnh đạo của 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thống nhất sử dụng số liệu GRDP giai đoạn 2010-2020 do TCTK trực tiếp biên soạn và công bố”, bà Hương nói thêm.
Đột phá trong điều tra, khảo sát doanh nhiệp
Khu vực doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, hiện đóng góp trên 60% GDP; thu hút lượng lớn việc làm, góp phần giải quyết nhiều vấn đề về an sinh, xã hội. Vì vậy, việc thống kê chính xác khu vực này, theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (TCTK) là vô cùng quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đưa ra các quyết sách kịp thời nhằm phát triển khu vực doanh nghiệp, công nghiệp và xây dựng.
Theo ông Thúy, để thống kê chính xác khu vực doanh nghiệp, bên cạnh thực hiện đầy đủ quy trình, nghiệp vụ theo Đề án 715 thì các cuộc điều tra doanh nghiệp hàng năm và điều tra ngành công nghiệp - xây dựng hàng quý đã có những đổi mới cơ bản về nội dung, phạm vi, phương pháp thu thập thông tin nhằm tính toán được đầy đủ hơn, chính xác hơn chỉ tiêu giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, GDP cả nước và GRDP từng địa phương phù hợp với quy trình mới.
Cụ thể, việc thiết kế phiếu điều tra, triển khai điều tra đối với doanh nghiệp hàng năm, điều tra công nghiệp, xây dựng hàng tháng, quý để thu thập thông tin được thực hiện theo đơn vị cơ sở (cấp tỉnh). Việc chọn mẫu, suy rộng kết quả điều tra đảm bảo tổng hợp đầy đủ, chính xác hơn giá trị sản xuất theo ngành cấp 2 cho từng tỉnh, thành phố và phân bổ theo địa bàn hàng quý, 6 tháng, năm đảm bảo tính GRDP từng tỉnh trên cơ sở tổng hợp GRDP các địa phương tiếp cận GDP cả nước.
Đối với lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, TCTK đã tính và phân bổ chi tiết theo đơn vị cơ sở, đặc biệt 68 tập đoàn, tổng công ty hạch toán toàn ngành được triển khai làm cơ sở tỉnh GDP, GRDP chính xác hơn.
Ông Thúy cho biết, điều tra doanh nghiệp hàng năm đã có bước cải tiến đột phá, phối hợp chặt chẽ, kết nối dữ liệu với các cơ quan cấp phép đăng ký doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế từ trung ương đến địa phương, khắc phục chênh lệch đáng kể số liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cũng tận dụng được số liệu sẵn có từ dữ liệu hành chính, giảm tải khối lượng điều tra doanh nghiệp hàng năm. Kết quả đạt được là cơ sở dữ liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm đầy đủ hơn, chính xác hơn cho việc tổng hợp chỉ tiêu giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, GRDP, GDP, góp phần qun trọng giamr thiểu chênh lệch giữa GDP và GRDP.
“Việc đổi mới điều tra doanh nghiệp hàng năm cũng như các cuộc điều tra hàng quý đã phát huy những ưu điểm cũng như cải tiến những vấn đề còn bất cập trong quá trình biên soạn số liệu, ngày càng nâng cao chất lượng số liệu cả nước và cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu số liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Kết quả rõ nét nhất mà ai cũng nhìn thấy là số liệu về doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký tăng thêm, doanh nghiệp rời khỏi thị trường, doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, quy mô vốn của doanh nghiệp… giữa TCTK với Tổng cục Thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh đã gần với nhau hơn”, ông Thúy nhấn mạnh.