Chiều 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (Dự thảo).
Phiên họp chiều 7/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Dự thảo nêu rõ, tổng quan, cử tri và Nhân dân phấn khởi về kinh tế - xã hội của cả nước vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tình hình chính trị - xã hội của đất nước được giữ vững ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, thúc đẩy các công trình trọng điểm quốc gia (khánh thành đường điện 500 kV mạch 3 là niềm tự hào của đất nước ta). Cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vai trò, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì theo dự báo của World Bank, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Cơn bão số 3 (bão Yagi) sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2024 nói riêng và cả năm 2024; thực tế đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng tới hạ tầng cầu đường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy hải sản. Để giúp các tỉnh miền Bắc phục hồi kinh tế (bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc), sẽ tốn rất nhiều ngân sách, thời gian và các nguồn lực khác .
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân bày tỏ băn khoăn, mong muốn Quốc hội, Chính phủ có biện pháp, giải pháp giải quyết trong thời gian tới các vấn đề như: đầu tư công vẫn chậm giải ngân ở một số bộ, ngành, địa phương, lĩnh vực, lạm phát, giá cả tăng cục bộ ở một số địa bàn, lĩnh vực. Giá nhà chung cư, đất ở tại Hà Nội, TP.HCM vẫn tiếp tục tăng quá cao và không sát với thực tế, nhu cầu của người dân mà chưa có giải pháp để kiểm soát, bình ổn. Thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh chưa được sửa đổi gây tác động không tích cực đến chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024…
Đồng thời, cử tri cho rằng, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ thị trường vốn - tài chính, gồm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm để cải thiện, tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, huy động nguồn lực từ trong dân nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt gánh nặng vốn trung và dài hạn cho ngành ngân hàng. Cần xem xét quy chuẩn, tiêu chuẩn trong ngành thủy sản, theo ý kiến của cử tri.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và Nhân dân đề nghị rà soát các quy định về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán bởi vì hàng năm các cơ quan thanh tra, kiểm toán đều thực hiện thanh tra, kiểm toán ở nhiều cơ quan, tổ chức tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và cả trung ương để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về tiền, tài sản và đặc biệt là lòng tin của Nhân dân.
Cử tri và Nhân dân mong muốn tổng hợp đầy đủ và công khai để Nhân dân giám sát số tiền và tài sản thu được từ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến tháng 9/2024). Đồng thời tổ chức đánh giá khách quan nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, các vụ án tham nhũng với số tiền rất lớn chưa từng có trong lịch sử nước ta, do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, chế tài chưa đủ sức răn đe, do tổ chức thực hiện hay do đạo đức liêm chính của cán bộ, đảng viên là chính, từ đó có giải pháp căn cơ, để phòng chống tham nhũng, tiêu cực hữu hiệu hơn.