Theo kế hoạch, định kỳ hàng năm, Tạp chí Forbes sẽ chính thức công bố danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới vào ngày 6/3.
Với sự ghi nhận trên Việt Nam đã chính thức có 4 tỷ phú có tài sản tỷ USD được ghi nhận.
Cụ thể, theo bảng xếp hạng mới nhất này, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng có tổng tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 trên thế giới. Không chỉ tài sản tăng mạnh, điều đặc biệt, ông Vượng được Forbes ghi nhận là vị tỷ phú kinh doanh đa ngành thay vì chỉ từ bất động sản như trước đây. Ông Vượng lần đầu lọt vào danh sách tỷ phú USD từ năm 2013. Như vậy, đây là năm thứ 6 vị tỷ phú góp mặt trong danh sách này.
Tỷ phú thứ hai với tổng tài sản là 3,1 tỷ USD là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air). Ngoài tài sản lớn sở hữu tại Vietjet Air, hiện bà Thảo còn là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Phát triển TP. HCM (HDBank) và Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Holdings.
Hai tỷ phú họ Trần mới toanh được Forbes ghi nhận cũng có tài sản hàng tỷ USD.
Cụ thể, ông Trần Bá Dương có tổng tài sản 1,8 tỷ USD xếp thứ 1.339. Ông Dương đang nắm quyền chi phối tại Thaco. Mặc dù tập đoàn này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, song trên sàn OTC, cổ phiếu THACO luôn được giao dịch từ 150.000 - 180.000 đồng/đơn vị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hoà Phát - Trần Đình Long với tổng tài sản 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.756 trong bảng xếp hạng những người giàu có nhất hành tinh. Ông Long được mệnh danh là "Vua thép Việt". Hiện ông nắm giữ 25,15% cổ phần tại Tập đoàn Hoà Phát, tương ứng giá thị trường khoảng 24.381 tỷ đồng.
Hai tỷ phú đô la mới của Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoà Phát (HPG) Trần Đình Long (phải) và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương. |
Dưới đây là những thông tin về hai vị tỷ phú USD mới họ Trần:
Doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát
Năm sinh: 1961
Trình độ chuyên môn: Cử nhân kinh tế
Ông Trần Đình Long bắt đầu sự nghiệp khá muộn.Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân, ở tuổi 30, ông Long cùng bạn bè quyết định thành lập Công ty TNHH Thiết bị phụ tùng Hòa Phát vào tháng 8/1992. Khi đó, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty.
Tiếp đó, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang lĩnh vực nội thất vào năm 1995, rồi đến ống thép năm 1996. Tới tận năm 2000, “thép xây dựng” mới xuất hiện trong từ điển của... Hòa Phát.
Việc dấn thân vào mảng thép cũng bắt nguồn từ những nhận xét đầy coi thường của ông trùm thép thời điểm đó với ông Long. Giả sử, buông xuôi và không có ý chí, chắc chắn giờ đây sẽ không có Vua thép Trần Đình Long.
Tuổi trẻ là không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và luôn tiến trước một bước.
Đến năm 2007, Hoà Phát được tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn với các đơn vị thành viên.
Và ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức có mặt trên sàn chứng khoán Việt Nam với mã cổ phiếu HPG.
Hiện mảng kinh doanh thép đóng góp khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận của HPG.
Ông Long cũng nhiều lần có tên trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Câu nói nổi tiếng của ông Long được nhắc tới gần đây là “Dừng lại là chết” khi thuyết phục những người đồng hành và các cổ đông đừng ngủ quên trên những thành tích đã đạt được khi quyết định dấn bước đầu tư tiếp với Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Sự phát triển của Hòa Phát cho thấy lãnh đạo Tập đoàn này luôn cố gắng quản trị tốt nhất bằng vận dụng nguyên tắc quản trị bài bản gắn với kinh nghiệm thực tế. Hòa Phát không phải là công ty gia đình nhưng đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Hòa Phát gắn bó với nhau như các thành viên trong một gia đình.
Sẽ không ngạc nhiên khi ông Long nhận xét “mình là con người hành động, giải quyết việc rất nhanh, luôn nhìn về phía trước và không hài lòng với những gì mình đang có."
Những người từng tiếp xúc với ông Trần Đình Long, cảm nhận rõ ràng nhất là không né tránh, sẵn sàng đối mặt với bất cứ câu hỏi nào. Thậm chí rất quyết đoán và sẵn sàng chấm dứt cuộc tranh luận khi bị vặn vẹo vô căn cứ.
Ông Long thẳng thắn cho hay, không tính kế hoạch trong điều kiện thị trường thuận lợi mà tính đến trường hợp, “thị trường xấu nhất, mình vẫn sống được”.
Mới đây "cỗ xe lu" - như ông Long vẫn gọi Hòa Phát - đã gây bất ngờ với kế hoạch doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020, tức tăng gần 3 lần so với năm 2016.
Năm 2018, HPG đặt mục tiêu doanh thu đạt 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.050 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 30% (chưa nói rõ chi trả bằng tiền mặt hay cổ phiếu).
Trên sàn, kết phiên giao dịch ngày 6/3/2018, giá cổ phiếu HPG ở mức 61.700 đồng/cổ phiếu.
Ông Trần Đình Long hiện nắm 381.557.138 cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 25,15% vốn điều lệ với giá trị hơn 23.000 tỷ đồng.
Vợ ông là bà Vũ Thị Hiền hiện nắm giữ 110.522.391 cổ phiếu HPG.
Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh,
Sinh năm 1960
Trình độ: Kỹ sư Cơ khí - Đại học Bách khoa TP.HCM
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, ông Dương xin làm công nhân sửa chữa ô tô. Sau đó, nhờ kiến thức trong nhà trường, ông đã đưa ra dự án “Chuyển đổi tay lái nghịch” và được Bộ GTVT chấp nhận.
Chính việc được giao quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán của công ty nơi đang là nhân viên, đã giúp ông Dương tích luỹ và phát huy khả năng của mình. Năm 1997, Công ty TNHH Ô tô Trường Hải (đặt theo tên con trai út của ông Dương) ra đời với số vốn ban đầu là 800 triệu đồng. năm 2001, ông Dương đầu tư một nhà máy lắp ráp ô tô tại KCN Công nghiệp Biên Hòa 2, công suất 5.000 xe/năm. Tới năm 2003, Khu Liên hợp sản xuất và Lắp ráp Ô tô Chu Lai - Trường Hải đã được khởi công xây dựng tại Chu Lai.
Vốn xuất thân là một kỹ sư cơ khí, làm nên Trường Hải từ hai bàn tay trắng, ông Dương không ngại ngần cho hay, mình là con người của kỹ thuật, nên có rất nhiều việc phải làm và chỉ biết làm để có kết quả tốt nhất.
Phát triển từ giá trị cốt lõi, từ quá trình sản xuất thực sự, việc mở rộng phương án kinh doanh- với ông Dương, chính là “để Trường Hải có thể phát triển, để giải quyết được nhiều việc làm hơn, để đóng góp nhiều hơn”.
Trường Hải hiện là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất lắp ráp và cung ứng đa dạng, đủ các phân khúc ô tô tại Việt Nam từ xe tải, xe khách, bus, xe chuyên dùng và xe du lịch. Giấc mơ đầu tư xây dựng một khu liên hợp ô tô hiện đại nhất Việt Nam và khu vực để thực hiện chiến lược xuất khẩu ô tô được ông Dương ấp ủ cách đây gần 20 năm, khi quyết định ra Khu kinh tế mở Chu Lai lập nhà máy ô tô mới đã hiện rõ nét ở thời điểm này.
Không đặt nặng vấn đề phải làm ra được sản phẩm ô tô “Made in Vietnam”, mục tiêu được ông Dương và Thaco nhắm tới là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài và ngày càng đạt cấp độ cao về giá trị sản xuất cũng như thương hiệu.
Đầu tư vào lĩnh vực gai góc nhất của ngành công nghiệp là cơ khí chế tạo, nên ông Dương nhận diện rất rõ những thách thức mà ông phải đương đầu. Đó là sự thay đổi liên tục của công nghệ và sức ép cạnh tranh không có điểm dừng.
“Tôi rút ra bài học từ chính con đường tôi đã chọn, đã đi, đó là làm công nghiệp đòi hỏi có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi không, có sức nuôi khát vọng ngay từ đầu không. Sẽ thất bại nếu chọn cách cứ làm đã, chiến lược tính sau”, ông Dương nói.
Phát triển công nghiệp ô tô thực tế là một cuộc đua không có điểm dừng, bởi đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, phải đầu tư chiều sâu và liên tục tái đầu tư. Những người làm ô tô đều hiểu, lợi nhuận thu từ ngành này nhìn số thì to, chứ so với yêu cầu tái đầu tư của ngành này luôn là không đủ.
Ông thừa nhận, thành công của mình và Công ty có yếu tố may mắn, vì cuộc đời kinh doanh cũng nhiều nghiệt ngã, nếu thiếu may mắn thì cũng khó thành công.
Nhưng may mắn không bao giờ đến mãi và không bao giờ là 99%. “Với tôi, 1% là may mắn, còn 99% là lao động, mồ hôi và nước mắt”.
Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, ông Dương cho hay, đầu tiên phải có triết lý kinh doanh, sau đó đưa ra các quan điểm, nguyên tắc để định hướng cho nghiệp vụ, ngành nghề kinh doanh; phải xây dựng chiến lược hết sức đúng đắn và khác biệt. Có chiến lược rồi phải có phương thức và phương pháp quản trị. Và cần có đội ngũ phù hợp với triết lý, chấp nhận các quan điểm, nguyên tắc của mình, phù hợp với chiến lược và phương pháp quản trị của mình.
“Tư duy của nhiều người Việt Nam là khi liên doanh, cứ để nước ngoài làm hết cho… khoẻ, chỉ cần chia lời cho mình hưởng. Điều này không đúng, bởi không ai đi làm để người khác hưởng lợi. Trong khi đó, cái mình cần là công nghệ và kỹ thuật của đối tác. Bởi vậy, đến giờ này, tôi chưa liên doanh mà chỉ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu có cam kết liên doanh thì cũng sẽ nắm cổ phần chi phối”, ông Dương chia sẻ.
Nói về những thành quả ngày hôm nay, vị thuyền trưởng của Thaco cho rằng, đó là nhờ “không ngại chấp nhận sự thay đổi” và “luôn nỗ lực tìm lối ra để tồn tại và phát triển”.
Thaco hiện nắm 90% vốn điều lệ của Công ty địa ốc Đại Quang Minh, doanh nghiệp đang đầu tư khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm - TP.HCM và cũng bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp, với việc triển khai dự án Khu công nghiệp chuyên về lúa và ngũ cốc tại tỉnh Thái Bình, cùng nhà máy sản xuất máy móc nông nghiệp tại Chu Lai theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp.
Hiện Thaco và Đại Quang Minh đều chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán.