Điểm nóng
Chặn đứng tội phạm "cổ cồn trắng" câu kết quan tham - Bài 5: Chặn đứng, quét sạch "giặc nội xâm"
Ngô Nguyên - 10/10/2024 09:09
Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là bóng tối vươn theo quyền lực. Sự bắt tay dơ bẩn giữa quan chức tha hóa, biến chất với khu vực tư, nếu không bị chặn đứng sẽ làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Tội phạm “cổ cồn trắng” được hiểu là tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, có trình độ, làm việc tại các tập đoàn, công ty, không sử dụng bạo lực để kiếm tiền. Thời gian qua, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư liên tiếp được đưa ra ánh sáng, có những vụ “trời rung đất chuyển”.

Sự câu kết tinh vi của chủ doanh nghiệp tư nhân với quan chức nhà nước biến chất, thoái hóa để lũng đoạn hệ thống chính trị cơ sở không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, việc mở rộng chống tham nhũng sang khu vực tư của Đảng là kịp thời, đúng đắn nhằm chặn đứng “giặc nội xâm”, để xây dựng đất nước phát triển bền vững, bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài 5: Chặn đứng, quét sạch “giặc nội xâm”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Nhìn lại hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị xử lý liên quan đến các đại án lớn, càng thấm thía điều đó, nhất là khi đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIV - đại hội có ý nghĩa quan trọng mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024, công tác cán bộ được nhấn mạnh là then chốt của then chốt. Vì thế, việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An... và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là cần thiết, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng, không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật...; xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đạt được yêu cầu phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, tăng tốc về đích các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Cần lấp đầy “lỗ hổng” văn hóa pháp lý, kinh tế

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Không ít cuộc “đi đêm” tăm tối của không ít chính trị gia hủ bại với các doanh gia cho thấy, đều do suy đồi về đạo đức, về văn hóa kinh doanh và nguy hiểm hơn là hủ bại về văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế.

Sự dung túng, tiếp tay cho những tệ nạn đó không chỉ phá nát thị trường, mà còn vô hình hạ sát đạo lý chính trường, đạo lý kinh doanh. Như thế, đất nước sao có thể đi nhanh, đi xa và bền vững cho được?

Đó chính là “lỗ hổng” về văn hóa pháp lý, khoảng trống về văn hóa kinh tế, cần được lấp đầy.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải từ xa, từ sớm, cả gốc lẫn ngọn

TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải từ xa, từ sớm, cả gốc lẫn ngọn. Phải xây dựng, tạo khuôn khổ thể chế giúp cán bộ, đảng viên định vị hành vi, đạo đức của bản thân trong công việc, cuộc sống.

Phải tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”.

Phải giáo dục liêm chính bằng việc nêu gương liêm chính, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt. Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, cảnh báo, răn đe kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Giáo dục liêm chính cần gắn với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm để không dám tham nhũng, tiêu cực; chăm lo đời sống cán bộ, đảng viên để không cần tham nhũng, tiêu cực.

Chặn thỏa thuận giữa quyền lực - tiền bạc để kinh tế “cất cánh”        

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.

Mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng sang khu vực tư là kịp thời, đúng đắn, bởi sự phát triển lành mạnh và bền vững của các doanh nghiệp nói chung có tính chất quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Sự đổ vỡ của bất cứ doanh nghiệp nào đều ảnh hưởng với mức độ khác nhau đến “sức khỏe” của nền kinh tế, sự ổn định xã hội, lợi ích của người lao động. Vì vậy, với các công cụ của mình, Nhà nước phải đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người dân và xã hội.

Bởi, trong các vụ án tham nhũng lớn gần đây luôn có sự móc nối, bắt tay chặt chẽ giữa những kẻ vi phạm khu vực tư với quan chức thoái hóa, biến chất trong khu vực công.

Chống tham nhũng có hiệu quả chắc chắn phải ngăn chặn sự móc nối thỏa thuận giữa quyền lực và tiền bạc. “Cuộc chiến” này phải chống trong cả hai khu vực công - tư mới có hiệu quả bền vững.

Thực tế, tham nhũng tồn tại ở mọi quốc gia, bất kể giàu nghèo và thể chế chính trị. Nhận thức tác hại ghê gớm đó đối với sự phát triển, nên không chỉ Việt Nam, mà các nước hết sức coi trọng việc phòng, chống tham nhũng.

Chúng ta đã để một thời kỳ dài tham nhũng nặng nề, như một loại bệnh nặng. “Chữa bệnh” thì phải dùng “thuốc”. “Thuốc” đương nhiên có tác dụng chính, tác dụng phụ, đương nhiên ảnh hưởng ít nhiều tới một bộ phận nào đó, giai đoạn nào đó của “cơ thể”.

Nhưng phải xác định chọn tác dụng chính của thuốc, chứ không vì tác dụng phụ, vì ảnh hưởng đau nhất thời mà dừng lại. Việc Việt Nam kiên quyết, kiên trì chống tham nhũng như vừa qua để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh trong sạch chính là thành quả của việc dùng “thuốc trị tham nhũng đủ liều”, cần được tiếp tục mạnh mẽ.

Bởi tham nhũng còn ảnh hưởng rất lớn tới việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các công ty đa quốc gia sẽ căn cứ vào chỉ số tham nhũng ở mỗi quốc gia để quyết định đầu tư ở những nước có chỉ số tham nhũng thấp hơn.

Không bỗng nhiên, trong Báo cáo Chỉ số Cảm nhận tham nhũng năm 2022 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố, Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 10 bậc so với năm 2021; tăng 6 điểm và 27 bậc so với năm 2020.

Cần lưu ý rằng, nếu Chỉ số Cảm nhận tham nhũng tăng 1 điểm, thể hiện chính phủ, quốc gia đó đã ít tham nhũng hơn, tương đương với năng lực sản xuất của xã hội có thể tăng thêm 0,4% GDP.

Khi dùng “thuốc” để trị “bệnh”, thì phải dùng đủ liều, nếu không sẽ “nhờn thuốc”. Cùng với đó, phải kết hợp các giải pháp khác để nâng cao “sức khỏe”, tăng cường sức đề kháng, phải tạo ra vắc-xin ngừa tham nhũng. Nói cách khác, để nền kinh tế, môi trường đầu tư sạch, thì đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, đúng lộ trình và có bước đi thích hợp.

Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra rất nhanh, đặt ra thách thức là tội phạm tham nhũng nói riêng và tội phạm nói chung cũng được “quốc tế hóa”. Sự giao thương dễ dàng dẫn đến nguy cơ tội phạm tẩu tán tài sản, bỏ trốn ra nước ngoài là rất cao. Với thực tế đó, các nước phải phối hợp để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản thất thoát, để chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra sự nỗ lực chung trên toàn cầu khiến cho tham nhũng “không nơi ẩn nấp”.

Vì vậy, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư cũng rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là một nước thành viên.

Tạo dựng bộ máy nhà nước trong sạch   

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

Không phải doanh nghiệp nào cũng muốn đưa hối lộ. Thực tế, không ít doanh nghiệp buộc phải đưa hối lộ, nếu không sẽ bị làm khó dễ. Vậy nên, để có thể chống sự câu kết công - tư, trước tiên, phải chống tình trạng nhận hối lộ, tức phải tạo dựng bộ máy nhà nước trong sạch. Để tạo dựng, trước hết, cán bộ, đảng viên buộc phải thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, phải kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Tức là, bên cạnh pháp lý, còn phụ thuộc yếu tố nhân sự. Vì thế, một trong những vấn đề cần phải quan tâm nhất là yếu tố con người.

Xử hình sự “virus” sợ trách nhiệm

Luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự.

Hàng loạt “đại án” được phanh phui là phương thuốc đặc trị làm “chùn tay” những ai có ý định “nhúng chàm”. Nhưng đã phát sinh tâm lý sợ trách nhiệm, như một dạng “virus” gây cản trở hoạt động bình thường trong các cơ quan nhà nước.

Trong khi nền kinh tế - xã hội luôn vận động từng ngày, bất kỳ sự trì hoãn nào cũng dẫn đến thiệt hại cho cá nhân, tổ chức tham gia thị trường, cản trở cơ hội phát triển. Vì thế, phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý. Phải có cơ chế “giữ chân” cán bộ dám nghĩ, dám làm; ngược lại, những cán bộ không dám làm mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, thì cũng phải bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại.

Tin liên quan
Tin khác