Trái phiếu chính phủ đặt mục tiêu huy động tiền đầu tư từ trong xã hội, chứ không phải huy động tiền trong ngân hàng. |
Cửa hẹp cho trái phiếu
Khoản 6, Điều 17, Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định, tỷ lệ tối đa được mua, đầu tư vào trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng thương mại nhà nước là 15%; của ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 5%.
Vì thế, dù muốn hay không, các ngân hàng phải giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong năm 2015, sau khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2 năm nay. Kết quả là, thời gian qua, tuy tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ vẫn tăng, nhưng khối lượng huy động đối với kỳ hạn dài (từ 10 năm đến 15 năm) đã giảm.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu còn bị tác động bởi Nghị quyết 78/2014/NQ của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, từ năm 2015, không phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm. Trong khi đó, kỳ hạn các đợt phát hành trước đây phổ biến là 2 - 3 năm.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, quyết định không phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm chịu áp lực lớn về việc dòng tiền đáo hạn, phải trả nợ đối với các khoản đã phát hành trước đây của Chính phủ.
Tín dụng sẽ tăng
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng nhận định, các nội dung của Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ làm cho thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu phát triển một cách bền vững.
Riêng đối với trái phiếu chính phủ, vị lãnh đạo này cho rằng, mục tiêu là huy động tiền trong xã hội, chứ không phải huy động tiền trong ngân hàng. Ngân hàng chỉ là một loại chủ thể đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ khi dư thừa vốn. Trong mấy năm gần đây, nền kinh tế khó khăn, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp, ngân hàng thừa vốn đã mua nhiều trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, việc đầu tư trái phiếu chính phủ cũng có những rủi ro nhất định, trong đó có rủi ro kỳ hạn. Kỳ hạn của trái phiếu chính phủ là trung và dài hạn, nên khi thiếu vốn, ngân hàng khó có thể bù đắp được ngay khi thiếu hụt thanh khoản. Mặt khác, các ngân hàng thương mại huy động vốn để cho vay ra nền kinh tế, chứ không thể cứ chăm chăm vào kênh trái phiếu chính phủ.
“Việc các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ phải có một chừng mực và hợp lý. Trái phiếu chính phủ là công cụ giúp Chính phủ huy động ngoài xã hội, chứ không phải như tình trạng hiện nay, khi đến 80% trái phiếu chính phủ do ngân hàng thương mại mua”, vị lãnh đạo ngành ngân hàng trên nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, ở nước ngoài, phát hành trái phiếu chính phủ với mục tiêu tạo hàng hóa, phát hành thị trường vốn. Người mua không tập trung vào một nhóm đối tượng như ở Việt Nam, với hơn 80% do các ngân hàng nắm giữ. Năm 2014, Chính phủ phát hành lượng trái phiếu rất lớn do tín dụng tăng trưởng thấp. Trong thời gian tới, nếu tín dụng tăng trưởng cao trở lại, thì nhu cầu mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm, dù còn room.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), ông Bùi Quốc Dũng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ các năm 2012 - 2014. Cụ thể, tính đến ngày 18/6, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,09% so với cuối năm 2014. Đến ngày 15/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,88%, huy động vốn tăng 4,37% so với thời điểm cuối năm 2014.