Viễn thông - Công nghệ
Chạy đua đầu tư ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Bảo Minh - 12/06/2018 16:36
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh thử nghiệm đầu tư tại Việt Nam.

AI sẽ được tích hợp trong điện thoại di động

Năm 2014, BKAV đã gây sốc cho thị trường khi ra mắt giải pháp nhà thông minh (SmartHome). Nếu nhà thông minh của Google ra mắt trước đó chỉ dưới dạng các thiết bị đơn lẻ, hay hệ thống của Samsung có thể điều khiển theo các kịch bản đơn giản và khép kín trong sản phẩm của hãng…, thì SmartHome với nền tảng AI của BKAV đã tiến một bước trước các “đại gia” công nghệ, với hệ thống nhà thông minh hoàn chỉnh, kết nối tất cả các loại thiết bị trong  nhà.

Đặc biệt, SmartHome không chỉ điều khiển theo kịch bản, mà còn có thể thiết kế các kịch bản ngữ cảnh thông minh dựa vào thói quen, thời điểm và mệnh lệnh trước đó của chủ nhà, điểu khiển trực quan với giao diện 3D. Đây được xem là một trong những ứng dụng AI đầu tiên tại Việt Nam. 

Ứng dụng AI đang được tích hợp ngày càng nhiều vào các sản phẩm smartphone. Ảnh: Đức Thanh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, vài năm gần đây, thế giới bắt đầu nói nhiều hơn về AI khi nó được đưa vào điện thoại di động, mạng xã hội… Theo đó, các khái niệm Internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây cũng được nói đến nhiều hơn. Nếu như trước đây, nói đến công nghệ thông tin, doanh nghiệp thường nghĩ phải đầu tư với chi phí rất lớn, thì ngày nay, AI đã được tích hợp vào nhiều sản phẩm điện thoại di động của người dùng cá nhân. 

Theo một dự báo của Gartner, các tính năng AI sẽ biến chiếc điện thoại thông minh hiện nay thành một thiết bị khác biệt, giúp nhà sản xuất tiếp tục kiếm ra nhiều tiền vì sẽ thuyết phục được khách hàng mua thêm hoặc thay mới chiếc điện thoại đang sử dụng bằng một chiếc điện thoại có ứng dụng AI thông minh hơn. Nói cách khác, AI sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các dòng điện thoại và là yếu tố kích thích tiêu dùng cho các thiết bị điện tử, viễn thông truyền thống.

Trên cơ sở đó, Gartner dự báo, 80% điện thoại thông minh được đưa ra thị trường vào năm 2022 sẽ có các tính năng AI, so với mức 10% năm 2017. Công nghệ AI ngày nay không còn là tiện ích dành riêng cho các dòng điện thoại cao cấp, mà ngay phân khúc tầm trung cũng bắt đầu có các ứng dụng này. 

Chạy đua đầu tư vào AI

Không tiết lộ tổng vốn đầu tư cụ thể, nhưng theo ông Phạm Thế Trường, AI sẽ là trọng tâm đầu tư của Microsoft và sản phẩm đầu tiên đưa vào thị trường Việt Nam chính là nền tảng Azure. Trước mắt, các công cụ của AI như nhận diện giọng nói, nhận diện hình ảnh, cùng với khả năng nhận biết, hiểu ngôn ngữ, dịch thuật và tìm kiếm đã được Microsoft xây dựng trên nền tảng Azure. Những tính năng này sẽ giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam khai thác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Như trong bán lẻ, khi bước vào cửa hàng thời trang, các công cụ AI sẽ nhận biết bạn là nam hay nữ, tuổi tác, cùng với những thông số để từ đó gợi ý những sản phẩm khách hàng có thể thích cũng như giúp nhà bán lẻ theo dõi xu hướng mua hàng, từ đó nâng cao trải nghiệm cho khách hàng và thu lợi nhuận cao hơn…

Một đại gia khác là AWS (Amazon Web Services), công ty con của Amazon chuyên về các dịch vụ và giải pháp trên đám mây, cũng chia sẻ nhiều tham vọng phát triển các ứng dụng trên nền tảng AI tại thị trường trọng điểm Đông Nam Á. 

Cụ thể, trong khuôn khổ AWS Summit Singapore 2018 mới đây, các chuyên gia của AWS cho biết, việc ứng dụng những công nghệ mới này khá dễ dàng và hoàn toàn không đòi hỏi nhà phát triển lẫn người dùng phải có những kiến thức quá sâu rộng.

Đại diện AWS cho biết, các nền tảng được AWS đầu tư tập trung chủ yếu ở khả năng nhận diện và hiểu ngôn ngữ tự nhiên, tự động nhận diện giọng nói, thị giác máy tính, máy tính học (machine learning)… Các tính năng này còn được tùy biến phù hợp theo yêu cầu của người dùng cá nhân hoặc các doanh nghiệp thông qua đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật của AWS hoạt động liên tục 24/24h. 

Theo vị đại diện trên, lợi thế lớn nhất của các giải pháp AI của AWS là cho phép người dùng dùng thử dịch vụ và chỉ phải trả dựa trên lưu lượng sử dụng, nên “rất phù hợp với các doanh nghiệp muốn tiết giảm chi phí ở Việt Nam như các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc các doanh nghiệp lớn muốn tối ưu hóa chi phí.

Tại Việt Nam, ngoài BKAV, ứng dụng AI đang được thử nghiệm trên khá nhiều lĩnh vực, như trong nông nghiệp, AI có thể giúp người trồng biết rõ với mỗi loại cây, trong từng giai đoạn, cần cung cấp lượng nước bao nhiêu thì đủ, các dưỡng chất cần bổ sung ra sao. 

Trong Đề án Thành phố thông minh đang được Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) xây dựng, AI giúp người quản lý biết rõ tình trạng giao thông trong từng khu vực ra sao, hệ thống ánh sáng công cộng đang vận hành như thế nào, an ninh công cộng có vấn đề gì không… 

Có thể nói, AI đang được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam phát triển, thử nghiệm và ứng dụng vào thực tế. Tuy nhiên, làm thế nào quản lý phát triển ứng dụng này theo hướng kích thích ứng dụng vào các lĩnh vực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà không cản trở sự phát triển hiện vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Tin liên quan
Tin khác