Thời gian gần đây, các doanh nghiệp nhà nước rốt ráo thoái vốn khỏi các ngân hàng, bởi theo lộ trình mà Nhà nước đã quy định, chậm nhất là cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn ngoài ngành.
Cụ thể, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang làm thủ tục thoái vốn tại 2 ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Đông Á (SeABank). Theo đó, MobiFone đã nộp hồ sơ sang công ty chứng khoán để bán đấu giá cổ phần TPBank, đồng thời tiến hành các thủ tục thoái vốn tại SeABank.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone đang làm thủ tục thoái vốn tại 2 ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Đông Á (SeABank). |
MobiFone là cổ đông chiến lược nắm giữ 6% cổ phần của SeABank đến thời điểm năm 2012 và nắm hơn 12% tỷ lệ cổ phần của TPBank.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng dần hoàn thành thoái vốn tại 5 ngân hàng TMCP gồm: Á Châu (ACB), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) và Nam Việt (Navibank).
Mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã có thông báo bán đấu giá cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). DATC sẽ bán đấu giá 26.660 cổ phần OCB với giá khởi điểm 4.900 đồng/cổ phần (tương ứng 130,6 triệu đồng); 24.662 cổ phần SCB với giá khởi điểm 4.100 đồng/cổ phần (tương ứng 101,1 triệu đồng).
Theo kết quả phiên đấu giá sáng 14/10 tại Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), 6 nhà đầu tư đã mua thành công hơn 40 triệu cổ phiếu trên tổng số gần 81,6 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN Hà Nội bán đấu giá.
Trước đó, cuối năm ngoái, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thoái hết 2,72% vốn ở Techcombank. Gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản (Vinacomin) cũng thoái hết 4,09% vốn khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tập đoàn khác chưa thoái hết vốn ngân hàng. Trong đó, vướng nhiều nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với 52% vốn Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVCombank) và 20% vốn Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank), tổng giá trị 5.480 tỷ đồng. Nhưng chưa kịp thoái vốn khỏi OceanBank, PVN đã bị “trắng tay”, do ngân hàng này thua lỗ, bị mua lại với giá 0 đồng.
Bên cạnh đó, còn phải kể tới các trường hợp sở hữu với tỷ lệ nhỏ hơn, như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) sở hữu 8,95% Maritime Bank, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sở hữu hơn 1% Maritime Bank, Vinatex sở hữu 3,69% Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM) cho rằng, giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng năm 2007 đã tạo ra sự ưu ái cho ngành ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm đó tăng cao, thu hút giới đầu tư và không ít tập đoàn đã rót vốn, thậm chí xin giấy phép thành lập ngân hàng. Điều này đã tạo ra nhiều hệ lụy. Trong bối cảnh ngành đang trải qua cuộc “đại phẫu” lớn, nhà đầu tư hiện không còn quan tâm đến cổ phiếu này.
Đầu tháng 9/2015, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty báo cáo về tình hình thoái vốn. Trước đó, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.368 tỷ đồng, nhưng theo nhận định của ban này, tình hình thoái vốn ở ngân hàng diễn ra chậm.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/NĐ-CP/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2015, khu vực quốc doanh chính thức bị cấm góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quỹ đầu tư, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Chính phủ.
Như vậy, với Nghị định 91 được ban hành, một lần nữa quan điểm thoái vốn được củng cố và yêu cầu phải được thực hiện nghiêm. Nếu không thực hiện theo yêu cầu, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty sẽ bị xử lý theo quy định.