Đầu tư
Chạy theo gỡ rối cho điện mặt trời
Thanh Hương - 08/03/2021 16:21
Việc phát triển ồ ạt điện mặt trời tại Ninh Thuận nói riêng cũng như trong cả nước nói chung thời gian qua đang khiến các cơ quan hữu trách phải tham gia gỡ rối cho sự đã rồi.
Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 1.2 đã chính thức hòa lưới ngày 31/12/2020

Mặc dù đã có định hướng chỉ 2.000 MW điện mặt trời được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh nếu hoàn thành trước ngày 1/1/2021, nhưng kết thúc năm 2020, số lượng dự án điện mặt trời lớn được hoàn tất đầu tư tại Ninh Thuận đã vượt xa con số nói trên.

Đáng chú ý, các quy định pháp lý được ban hành cho điện mặt trời lại không hề nhắc tới trường hợp vượt quá quy mô 2.000 MW công suất này, nhưng vẫn hoàn tất đầu tư để phát điện trong năm 2020 tại Ninh Thuận thì xử lý thế nào. Hậu quả là, các doanh nghiệp lọt vào khoảng hở này rơi vào tình thế dự án làm xong, phát điện được, nhưng không được thu tiền.

Thống kê của Bộ Công thương cho hay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 33 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực có tổng công suất là 2.535 MW.

Tuy nhiên, con số này cũng chênh với Báo cáo số 4071/UBND-KTTH (ngày 10/11/2020) của tỉnh Ninh Thuận khi cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 2.617 MW điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.

Ninh Thuận cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án với tổng công suất 2.543 MW, tổng vốn đăng ký 66.845 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, đến cuối năm 2020, tổng công suất đưa vào vận hành là 2.463,51 MW.

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - nơi điều hành vận hành và trả tiền mua điện, nên có lẽ là chính xác nhất lại cho hay, đến nay, đã có 32 dự án hoặc phần dự án đã đi vào vận hành thương mại tại Ninh Thuận, với tổng công suất 2.216 MW.

Với yêu cầu “có chủ trương đầu tư được phê duyệt trước ngày 23/11/2019 và đưa vào vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021” cùng giới hạn 2.000 MW được hưởng mức giá bán điện là 9,35 UScent/kWh, hiện còn khoảng 216 MW của một số dự án không biết áp dụng mức giá bán điện nào để thanh toán.

Lẽ dĩ nhiên, quy định pháp luật không có, thì EVN cũng không trả tiền cho việc phát điện để nhà đầu tư có nguồn thu.

Được nhắc tới trong số này có Dự án Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, hay Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 (Tập đoàn T&T).

Tại Dự án Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, tuy có chủ trương đầu tư được chấp thuận sau ngày 23/11/2019, đã COD vào ngày 1/10/2020, nhưng tại thời điểm này, chỉ có một phần công suất nằm trong tổng mức 2.000 MW và có 172 MW vượt khung nói trên.

Còn với Dự án Thiên Tân 1.2 (công suất 100 MWp) và Thiên Tân 1.3 (công suất 50 MWp) được cấp chủ trương đầu tư trong tháng 10/2020 và hoàn thành trước khi kết thúc năm 2020, thì đều vượt ngoài mức công suất 2.000 MW được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp khi đã bỏ tiền đầu tư và hoàn thành dự án, Bộ Công thương đã chính thức đề nghị Chính phủ cho các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019, nhưng có COD trước ngày 1/1/2021 vẫn được hưởng mức giá 7,09 UScent/kWh như các dự án điện mặt trời khác được đưa vào vận hành trong năm 2020.

Không chỉ đề nghị cho các dự án đã đầu tư dù biết là không kịp mốc 2.000 MW và được chấp thuận đầu tư sau ngày 23/11/2019, Bộ Công thương còn đề nghị đưa Dự án Điện mặt trời Phước Thái 1 có công suất 50 MW ra khỏi tổng công suất 2.000 MW được hưởng giá 9,35 UScent/kWh.

Lý do được Bộ Công thương đưa ra là Dự án Điện mặt trời Phước Thái 1 thuộc EVN đầu tư, sau khi đi vào vận hành thương mại được hạch toán phụ thuộc EVN, sản lượng điện được hạch toán vào sản lượng điện của EVN và không có hợp đồng mua bán điện với EVN.

“Nghị quyết 115 và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Chính phủ về 2.000 MW là dành cho các nhà đầu tư có bán điện cho EVN (nên mới có giá điện 9,35 UScent/kWh). Do đó, việc cho Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái được hưởng mức giá điện 9,35 UScent/kWh là không có cơ sở, không phù hợp với quy định hiện hành về tài chính doanh nghiệp”, Bộ Công thương lập luận.

Trước đó, tỉnh Ninh Thuận cũng nhiều lần đề nghị không đưa Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 khỏi danh sách được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh trên địa bàn tỉnh này. Dĩ nhiên, phần được hưởng lợi nếu Phước Thái 1 ra khỏi danh sách là phần công suất đang thừa của các nhà đầu tư khác trong số 216 MW đang vượt ngoài 2.000 MW. Đáng nói, Bộ Công thương cũng không đề xuất Phước Thái 1 được hưởng mức giá bán điện bao nhiêu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia trong lĩnh vực điện mặt trời, tới từ một cơ quan tư vấn quốc tế cho hay, EVN là doanh nghiệp nhà nước, nên dự án của EVN chắc phải tuân thủ theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, nhất là phương án tài chính được lập ban đầu phải có các dữ liệu cụ thể để tính ra được hiệu quả hoạt động, tránh làm mất vốn nhà nước.

Khi Dự án được lập trong năm 2017, thì căn cứ rõ ràng là phải trên giá điện 9,35 US/cent/kWh theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg. Các cơ quan hữu trách khi phê duyệt Dự án lúc đó chắc phải dựa trên các thông số này để dự án không kém hiệu quả.

Mặt khác, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg khi nhắc tới giá điện 9,35 UScent/kWh cho 2.000 MW điện mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận không hề có bất cứ lưu ý nào về việc loại doanh nghiệp nào, phương thức hạch toán ra sao, thì mới được hưởng mức giá này. Nghĩa là, tất cả các doanh nghiệp nếu đủ điều kiện “được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và nằm trong mức 2.000 MW” sẽ đương nhiên được hưởng mức giá đó.

Nếu lấy lý do “hạch toán phụ thuộc EVN” để đề nghị Phước Thái 1 không được hưởng giá 9,35 UScent/kWh" thì cũng cần xem xét lại.

Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 1 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Văn bản số 356/TTg-CN ngày 9/3/2017. UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 26/12/2017. Dự án có tổng mức đầu tư 1.113 tỷ đồng, công suất 50 MWp, đã khởi công vào ngày 26/9/2019 và phát điện thương mại vào ngày 9/7/2020. Chủ đầu tư là EVN.
Tin liên quan
Tin khác