Doanh nghiệp
Chỉ 30% sản phẩm tại Bách hoá Xanh có chứng nhận VietGap
Hồng Phúc - 12/05/2019 08:10
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG) đẩy mạnh “mua tận gốc bán tận ngọn” cho Bách hoá Xanh nhằm tăng biên lợi nhuận gộp (tăng từ 1-1,5% trong quý II/2019). Trong khi đó, thách đố lớn nhất hiện nay của chuỗi là tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong cung ứng hàng tươi sống để có thể cạnh tranh với kênh truyền thống, đặc biệt tại cửa hàng tỉnh.

Biên lợi nhuận gộp của chuỗi Bách hoá Xanh trong tháng 03/2019 là 18%, cao hơn 1% so với tỷ lệ trung bình trong quý I/2019.

Đại diện Thế giới di động khẳng định, mỗi loại trái cây đều được nhập khẩu từ 2 nước nhằm tránh rủi ro sản lượng cũng giá thay đổi. Như với táo, cherry sẽ được nhập từ Mỹ và NewZealand, nho từ Úc và Nam Phi, cam từ Úc và Ai Cập,…

“Tất cả rau, củ tại Bách hoá Xanh đều có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và khoảng 30% sản lượng có chứng nhận VietGap. Còn với trái cây, chúng tôi không nhập bất cứ loại quả nào từ Trung Quốc”, đại diện bộ phận thu mua hàng của Bách hoá Xanh nói.

Trong 469 cửa hàng tính đến ngày 31/03/2019, Bách hoá Xanh có 95 cửa hàng tại 12 tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ (tương đương với 20% tổng số cửa hàng của toàn chuỗi). Trong cơ cấu chia theo loại cửa hàng, chuỗi có 52 cửa hàng lớn 300m2, chiếm khoảng 11% tổng số cửa hàng toàn chuỗi.

Chỉ riêng trong tháng 03/2019, chuỗi này bán ra khoảng 6.000 tấn hàng tươi sống, tăng 20% so với sản lượng so với cuối năm 2018. Hàng tươi sống đóng góp khoảng 40% trong tổng doanh thu chuỗi trong quý I/2019. 

Các cửa hàng Bách hoá Xanh khai trương trước ngày 1/3/2019 đều đạt doanh thu trung bình khoảng 1,25 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Nâng số lượng cửa hàng Bách hoá Xanh không phải thách đố lớn nhất với chuỗi ở thời điểm hiện tại mà theo ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới di động, đó là việc phải tìm ra giải pháp cung ứng hàng tươi sống hiệu quả để có thể cạnh tranh với các kênh truyền thống.

Mọi sản phẩm trong nhóm hàng tươi sống “từ bó rau đến miếng thịt” tại Bách hoá Xanh đều được nhà cung cấp vận chuyển từ vùng nguyên liệu/vùng nuôi đến 4 trung tâm phân phối (DC) hiện có. Tuy nhiên, tại các tỉnh thành, số lượng cửa hàng còn ít khiến việc tối ưu quy trình giao nhận hàng hoá chưa trở nên tối ưu. Trong quý I/2019, chi phí DC/doanh thu của Bách hoá Xanh chiếm khoảng 3%.

“Mở dày đặc các cửa hàng Bách hoá Xanh tại tỉnh sẽ thuận lợi cho quy trình vận chuyển nhưng lại khiến doanh thu bình quân của chuỗi tại khu vực đó giảm xuống, bởi phải chia sẻ lượng khách hàng”, ông Trần Kinh Doanh nói và vẫn khẳng định, sẽ tiếp tục mở rộng số lượng chuỗi cửa hàng Bách hoá Xanh cũng như đạt kế hoạch, vận hành 800 cửa hàng đến hết năm nay. 

Được biết, chuỗi Bách hoá Xanh hiện có 58 cửa hàng có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/tháng và 4 cửa hàng đạt doanh thu cao nhất ở mức khoảng 4,5 tỷ đồng/tháng (trong đó, có 2 cửa hàng ở tỉnh).

Ông Doanh cho rằng, khó có thể trả lời câu hỏi trong tương lai, số lượng cửa hàng Bách hoá Xanh sẽ đạt con số nào. Đại diện này lấy ví dụ, 3 năm trước, Thế giới di động cho rằng sẽ rất rủi ro nếu mở cửa hàng Thegioididong.com tại thị trấn Thủ Thừa, tỉnh Long An dù thực tế hiện nay, họ đã có một cửa hàng Thegioididong.com và một cửa hàng Điện máy Xanh.

“Đó là bài học về việc không thể trả lời tương lai sẽ diễn ra như thế nào và có bao nhiêu cửa hàng Bách hoá Xanh sẽ được mở. Có thể, ở mỗi xã sẽ có một cửa hàng Bách hoá Xanh”, ông Trần Kinh Doanh chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác