Suốt nhiều năm qua, bà Lê Thị Minh Đức năm nay 48 năm tuổi Đảng, là con liệt sĩ chống Pháp và là vợ liệt sĩ chống Mỹ, bị chiếm đất vì cho…ở nhờ.
Sau 10 năm gian nan đi đòi đất, vụ việc được đưa ra 2 cấp tòa với cùng phán quyết, đó là trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đức. Tuy nhiên, sau gần 2 năm bản án phúc thẩm của Tòa án tỉnh Hưng Yên có hiệu lực pháp luật, bà Đức vẫn chưa nhận lại được đất bởi bị “tắc” tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lữ.
Bị chiếm đất vì cho…ở nhờ!
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 3/2003, khi ông Vũ Văn Trung, người được bà Lê Thị Minh Đức cho ở nhờ đã âm thầm bán căn nhà và đất ở 251,8 m2 của gia đình bà Đức tại thôn Triều Dương, xã Hải Triều , huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho bà Nguyễn Thị Xoa.
Nguồn gốc diện tích đất ở 251,8 m2 gồm nhà và đất là của cụ Nguyễn Văn Công Vượn (cụ ngoại bà Đức) để lại thừa kế cho con cháu. Theo di chúc, cụ Vượn để lại mảnh đất này cho con trai là Nguyễn Văn Công Nuôi (ông ngoại bà Đức), ông Nuôi không có con trai nên được con gái là Nguyễn Thị Hấn (mẹ bà Đức) lưu giữ: “để lại cho con Nuôi (Nhỡ) 2,7 miếng đất, 3 gian nhà tre, xây luồn tàu, lợp lá để con vợ chồng con ở, ẩn bóng các cụ, lưu truyền hậu thế, kế tục tôn sùng sự nghiệp".
Khi các cháu gái đã quá cố thì số đất lưu lại cho họ Nguyễn để thờ phụng tổ tiên. Sau đó, bà Đức được mẹ đẻ giao toàn bộ căn nhà luồn tàu ba gian của cụ Vượn và đất sử dụng cho bà trông nom tu sửa cai quản.
Hai năm sau bản án phúc thẩm có hiệu lực, bà Lê Thị Minh Đức, con liệt sĩ chống Pháp, vợ liệt sĩ chống Mỹ vẫn chưa nhận lại được đất hương hỏa bởi sự nhùng nhằng khó hiểu của Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Lữ. |
Khi cụ Nuôi mất thì vợ là cụ Đoàn Thị Nịnh (bà ngoại bà Đức) đi lấy chồng khác là cụ Tổng Chi rồi có con là Vũ Ngọc Đình. Cụ Chi mất, mẹ con cụ Nịnh không có chỗ ở nên xin về ở nhờ lại nhà bà Đức, bà Đức đồng ý cho cụ Nịnh và ông Đình vào ở nhờ và chung sống cùng cho đến năm 1981 thì đưa nhau lên vùng kinh tế mới tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Bà Đức sau khi lấy chồng, rồi chồng hy sinh, bà chuyển lên thị trấn Vương sinh sống. Đến năm 1981, ông Vũ Văn Trung là con của cụ Vũ Ngọc Đình xin bà Đức cho ở nhờ.
Sau khi biết sự việc, bà Đức đã khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ yêu cầu ông Vũ Văn Trung trả lại nhà, đất gia đình bà đã cho gia đình ông Trung ở nhờ.
Vụ án đã được tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ đưa ra xét xử và tuyên buộc bà Nguyễn Thị Xoa phải giao trả diện tích đất 251,8m2 mua được từ ông Trung, cho bà Đức. Bà Đức hỗ trợ cho ông Trung 60 triệu đồng tiền công duy trì, tôn tạo mảnh đất và nhà…
Sau đó ông Trung kháng cáo, ngày 15/7/2014 và 21/7/2014, TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên xử phúc thẩm vụ án “Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất cho ở nhờ”.
Tòa phúc thẩm phán quyết, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Vũ Văn Trung và bà Nguyễn Thị Xoa là vô hiệu. Bà Xoa phải giao diện tích đất 251,8m2 tại tờ bản đồ số 13 số thửa 234 ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều hiện mang tên ông Vũ Văn Trung trong sổ địa chính cho bà Lê Thị Minh Đức được quản lý sử dụng. Bà Đức hỗ trợ cho ông Trung 60 triệu đồng tiền công duy trì, tôn tạo mảnh đất và nhà…
Phán quyết của tòa tỉnh bị “tắc” ở… thi hành án huyện
Ngay sau khi bản án có hiệu lực, bà Đức đã nghiêm chỉnh thực hiện quyết định của bản án, đã nộp 60 triệu đồng tại Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ để thanh toán cho ông Trung “tiền công duy trì cải tạo”. Đồng thời, tiến hành làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để yêu cầu thi hành án.
Sau đó, bà Đức nhận được giấy triệu tập số 353/GB-THA ra ngày 6/5/2015 của Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ, với nội dung là vào 7 giờ ngày 13/5/2015 yêu cầu có mặt tại thôn Triều Dương, xã Hải Triều (nhà bà Xoa) để nhận quyền sử dụng đất theo bản án số 38/2014/PTDS ngày 21/7/2014 của tòa Phúc thẩm tỉnh Hưng Yên tuyên đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, sau đó, bà Đức lại nhận được thông báo số 362/TB-CCTHA của Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ đề ngày 12/5/2015 với nội dung tạm hoãn lùi thời gian cưỡng chế thi hành án của Trưởng ban chỉ đạo thi hành án huyện Tiên Lữ để xin ý kiến Cục Thi hành án tỉnh (văn bản này không nói rõ ngày nào thì sẽ tiếp tục thực hiện quyết định cưỡng chế trả lại đất và nhà – PV)
Tiếp đó, ngày 14/8/2015, bà Đức nhận được văn bản của Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ số 519/QĐ – CCTHA gửi Chánh án Tòa án cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án số 38/DS-PT ngày 21/7/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Có dấu hiệu trì hoãn việc thi hành án?
Qua phản ánh của bà Đức và tìm hiểu hồ sơ vụ việc, thấy rằng căn cứ mà CCTHA huyện Tiên Lữ đưa ra, đề nghị kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm là không có cơ sở, có dấu hiệu trì hoãn việc thi hành án, gây khó khăn cho bà Đức. Cụ thể:
Thứ nhất, tại phần nội dung của bản án phúc thẩm đã xác định vụ án tranh chấp này không chỉ liên quan đến đất đai mà còn có tài sản trên đất… Quan điểm này của Tòa án phúc thẩm dựa trên sự đồng thuận của các đương sự, các bên đương sự đã có sự chấp thuận về việc xử lý những tài sản trên đất không còn giá trị sử dụng; không phải bỏ sót, bỏ quên tài sản như Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lữ đã nêu. Do đó, căn cứ vào điểm này Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là không hợp lý. Tài sản không còn giá trị gắn liền với đất đã được các bên thống nhất, không yêu cầu định giá, không có tranh chấp và được các đương sự thỏa thuận. Quyết định của bản án phúc thẩm nêu trên phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, đó là: “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” được quy định tại điều 5 Bộ Luật Tố tụng dân sự.
Thứ hai, đối với một số cây cối trên đất, cũng mới chỉ được ông Trung trồng, hiện còi cọc, bỏ hoang không ai chăm sóc; giá trị - nếu có cũng rất nhỏ không đáng kể dẫn đến các bên đã thống nhất không cần định giá và tự nguyện xác định cây cối này nằm trên đất của ai thì giao cho người đó quản lý. Mặt khác, bà Đức đã phải thanh toán 60 triệu đồng cho ông Trung tiền công duy trì tôn tạo cho những phần này.
Cây cối trên mảnh đất của bà Đức cho mượn. |
Ngoài ra, trước đây, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ có công văn gửi Tòa án tỉnh Hưng Yên đề nghị giải thích về hình dạng, kích thước thửa đất tranh chấp để làm cơ sở giao lại cho bà Đức. Sau đó, Tòa án tỉnh Hưng Yên đã có công văn giải thích rõ việc này. Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ vẫn cố tình không thi hành án, mà lại nêu các lý do về tài sản, cây cối như đã nêu ở trên rồi đề nghị giám đốc thẩm lại bản án trong khi không một lần hỏi ý kiến, quan điểm của các bên. Không một lần nào tổ chức để các bên có thể thỏa thuận mà lại sử dụng làm căn cứ để nghị kháng nghị?
Một vấn đề đáng lưu ý, ngày 6/5/2015, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ có công văn triệu tập bà Đức về nhận bàn giao đất vào ngày 13/5/2015 thì cũng trong ngày này, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ gửi quyết định cưỡng chế thi hành án ghi tên ông Trung (thay vì là tên bà Xoa theo quyết định của bản án phúc thẩm - PV). Từ sự sai sót này của Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ mà ông Trung đã khiếu nại việc ra quyết định cưỡng chế thi hành án không đúng người. Nhận ra sai sót này, ngày 15/6/2015, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ ra Quyết định số 231/QĐ-CCTHA "Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu"???.
Tiếp đó, ngày 18/6/2015, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ gửi công văn số 415/CV-CCTHA đề nghị Tòa án Tỉnh giải thích một số điều chưa rõ, thì ngày 22/6/2015 theo số 162/CV-TA Tòa án tỉnh trả lời và giải thích như đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, sau đó ngày 14/8/2015 CCTHA huyện tiếp tục có công văn số 519/QĐ - CCTHA đề nghị Tòa án Cấp cao và Viện cấp cao xem xét lại bản án phúc thẩm của Tòa án tỉnh Hưng Yên…
Sau những sự việc này, bà Đức đã lên Tòa án, Viện kiểm sát cấp cao và Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp) khiếu nại và đã được tiếp nhận hồ sơ.
Ngày 23/11/2015, Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư Pháp) đã có văn số 3829/TCTHADS-GQKNTC gửi Cục Thi hành án tỉnh Hưng Yên. Theo đó, Tổng cục Thi hành án Dân sự yêu cầu Cục trưởng Cục thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết về Vụ Giải quyết khiếu nại tố cáo (Tổng cục Thi hành án Dân sự).
Mới đây nhất, ngày 13/1/2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã gửi công văn số 48/UBND-TCD gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên nêu rõ: "Giao Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh Hưng Yên tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lời đơn của dân. Báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết trước 5/2/2016".
Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ và Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ vẫn chưa có động thái gì để thực hiện các chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư Pháp) và UBND tỉnh Hưng Yên.
Từ những vấn đề nêu trên, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do ra quyết định thi hành án sai, không đúng đối tượng và bị kiện nên Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ phải đùn đẩy lên trên? Dư luận đặt câu hỏi việc Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ lại ban hành công văn đẩy sự việc lên Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị giám đốc thẩm có phải là nhằm kéo dài cho việc thực hiện bản án phúc thẩm đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên?...
Những câu hỏi này, rất mong các cơ quan có trách nhiệm sớm có câu trả lời thỏa đáng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Đức cũng như gia tộc họ Nguyễn theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có trách nhiệm của Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ về việc có cố tình kéo dài, trì hoãn thực thi nhiệm vụ thi hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật hay không?