Nhiều ngân hàng lên kế hoạch mua lại cổ phiếu của mình làm cổ phiếu quỹ, nhằm gia tăng giá trị cho cổ đông. |
Mở hầu bao
Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng VPBank (mã chứng khoán VPB, sàn HoSE) vừa quyết định mua 50 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 2% lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường làm cổ phiếu quỹ. Theo đó, VPBank sẽ mua trong khoảng giá từ 20.000 - 24.000 đồng/cổ phiếu, thời gian mua trong quý IV/2019. Như vậy, VPBank sẽ phải chi khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu 50 triệu cổ phiếu quỹ nói trên. Nguồn vốn dùng mua cổ phiếu quỹ được trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Hiện VPBank có hơn 73 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,894% vốn điều lệ. Nếu việc mua 50 triệu cổ phiếu quỹ thành công thì ngân hàng này sẽ nắm tổng lượng cổ phiếu quỹ xấp xỉ 5% vốn điều lệ.
VPBank khẳng định, việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ không ảnh hưởng tới các chỉ số an toàn vốn của ngân hàng. Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 6/2019, vốn chủ sở hữu của VPBank là hơn 38.200 tỷ đồng. Số vốn trên giữ cho hệ số an toàn vốn của VPBank ở mức 11,2%, cao hơn so với mức tối thiểu 8%, tính theo tiêu chuẩn Basel II. Tháng 7/2019, VPBank cũng phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
Tương tự, HDBank cũng cho biết, thời gian qua, do tác động của các yếu tố vĩ mô, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động, dẫn tới giá cổ phiếu nhiều ngân hàng, trong đó có HDBank bị giảm nhiều. Chính vì thế, HĐQT HDBank đã có nghị quyết mua lại tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định.
Trước đó, TPBank cũng đăng ký mua tối đa 24 triệu cổ phiếu quỹ trong vòng 1 tháng, nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cổ đông.
Có đỡ được giá cổ phiếu?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB nằm trong xu hướng giảm trong năm vừa qua. Thị giá cổ phiếu VPB hiện ở mức trên 20.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng một nửa so với mức đỉnh đầu tháng 4/2018 và giảm 16% so với giá phiên giao dịch đầu tiên khi VPBank lên sàn. Song, trong thông báo gửi tới cổ đông, HĐQT VPBank cho biết, các cơ hội, tiềm năng phát triển của Ngân hàng vẫn được đánh giá tốt.
Theo lãnh đạo VPBank, việc mua lại cổ phiếu VPB để làm cổ phiếu quỹ được xem là đầu tư vào một tài sản có giá trị và khả năng sinh lời cao trong tương lai.
Còn với cổ phiếu HDB đang giao dịch ở mức 26.000 đồng/cổ phiếu so với mức chào sàn đầu năm 2018 là 32.000 đồng/cổ phiếu. Giới phân tích đưa ra nhận định, thị giá cổ phiếu HDBank đang ở mức thấp hơn giá trị hợp lý và không phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng cao và phát triển bền vững của ngân hàng này.
HĐQT HDBank tin rằng, giá cổ phiếu của HDBank sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới và việc mua lại cổ phiếu đã phát hành làm cổ phiếu quỹ ở vùng giá hiện nay không chỉ giúp ổn định giá cổ phiếu, mà còn là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng, cổ đông.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các nhà băng trên mạnh tay gom cổ phiếu quỹ, đỡ giá cổ phiếu, mà trước đó, vào cuối năm 2018, khi giá cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, các lãnh đạo cấp cao của HDBank, ACB, Techcombank đã ra tay đỡ giá. Theo nguyên tắc đầu tư, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, qua đó làm tăng lợi nhuận trên vốn cổ phần (EPS) và làm lợi cho cổ đông hiện hữu.
Từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng hơn 14% so với đầu năm 2019. Thống kê 18 mã ngân hàng cho thấy, vốn hoá nhóm cổ phiếu ngành này tăng khoảng 14%.
Các mã cổ phiếu của các ngân hàng lớn như VPB của VPBank, TCB của Techcombank, MB của MBBank đều liên tục tăng trưởng về hoạt động kinh doanh, đặc biệt đạt lợi nhuận “khủng" trong nửa đầu năm 2019. Thống kê từ báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của 25 ngân hàng trong hệ thống cho thấy, tổng giá trị lợi nhuận mà các ngân hàng ghi nhận đạt hơn 53.076 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó, giá cổ phiếu ngân hàng, trong đó có các mã nói trên lại diễn biến ngược chiều.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu ngành ngân hàng tuy đã cải thiện, song vẫn còn là gánh nặng của không ít nhà băng. Đó cũng chính là lý do tác động tiêu cực lên cổ phiếu ngành ngân hàng thời gian qua. Theo ông Tín, nếu nhìn về dài hạn và có sự chọn lọc kỹ giữa các ngân hàng kinh doanh tốt, thì đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhiều triển vọng.
Công ty Chứng khoán VNDirect đã đưa ra nhận định về triển vọng 6 tháng cuối năm 2019 của ngành ngân hàng. Theo đó, NIM (thu nhập lãi thuần) chỉ tăng nhẹ ở một số ngân hàng; lợi suất tài sản được cải thiện nhờ cho vay bán lẻ tăng nhanh.