Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội và câu lạc bộ CEO 1983 vừa tổ chức buổi hội thảo với chủ đề "Quản trị tài chính cho CEO thời gió ngược".
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia tài chính hàng đầu đã có những chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược quản trị tài chính hiệu quả trong thời “gió ngược", giải đáp các vấn đề như cách quản lý dòng tiền, định giá doanh nghiệp, tối ưu hóa cấu trúc vốn, và tìm kiếm nguồn tài trợ.
Bà Lê Thị Dung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đào tạo và phát triển nhân lực DGROUP, Chủ tịch CLB CEO 1983, Viện trưởng Viện Doanh trí. |
Bà Lê Thị Dung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đào tạo và phát triển nhân lực DGROUP, Chủ tịch CLB CEO 1983, Viện trưởng Viện Doanh trí cho biết: “Tài chính đóng vai trò then chốt xác định thành công hay thất bại của một công ty bên cạnh các yếu tố về nhân sự hay năng lực của người lãnh đạo. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài, vai trò của tài chính được đánh giá cao hơn bao giờ hết.”
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi tháng có khoảng 7.000 doanh nghiệp đóng cửa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nhóm doanh nghiệp này có năng lực quản trị tài chính yếu: quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế, đầu tư vào tài sản cố định và đầu tư dài hạn còn ít, khả năng quản trị vốn còn nhiều bất cập, khả năng sinh lời thấp.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia cao cấp tài chính - ngân hàng, kinh tế Việt Nam thời gian tới chưa có sự khả quan, vẫn trong giai đoạn trì trệ. Nhìn chung trong quý III kinh tế Việt Nam còn khó khăn, trong quý IV/2023 khó khăn vừa phải và chỉ hồi phục mạnh mẽ từ năm 2024.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể về dòng tiền. Điển hình là: Giảm doanh số, doanh thu; khó khăn trong thu nợ; hạn chế về nguồn vốn, rủi ro về tài chính, và đặc biệt là mất khả năng thanh toán.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể về dòng tiền. |
Để quản trị tài chính hiệu quả, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị doanh nghiệp cần nhận diện được những chi phí bất thường, hiểu sâu và kiểm soát được dòng tiền; sự khác biệt giữa lợi nhuận và dòng tiền. Cùng với đó, cần kiểm soát tốt hàng tồn kho, các khoản phải thu, cũng như xây dựng được một bộ phận “thu hồi nợ” hiệu quả.
Theo bà Lưu Bảo Liên, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng: “Có nhiều tác nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính. Trong đó có các yếu tố liên quan đến quản trị, thanh khoản, thị trường hay thậm chí là đến từ chính chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Do đó, để đối mặt với khó khăn, việc tối ưu hóa chi phí và thậm chí giảm chi phí phải được chú trọng. Chủ doanh nghiệp cần liên tục giám sát, đo lường và điều chỉnh các hạn mức thu chi và dòng tiền của mình”.
“Để thiết lập hiệu quả công tác quản lý chi phí, các doanh nghiệp cần chú ý quan tâm đền 3 cấu phần: Lập kế hoạch, ngân sách và dự báo; Kiểm soát và tối ưu hoá chi phí, và phân tích lợi nhuận đa chiều.”, bà Liên nhấn mạnh.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon nhấn mạnh về vấn đề quản lý công nợ và ngân hàng. Ông cho rằng việc đảm bảo hạn mức và các điều khoản trong hợp đồng là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần tập trung vào quá trình thu hồi nợ và giao trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể. Trong trường hợp thiếu vốn, doanh nghiệp có thể sử dụng hạn mức vốn của ngân hàng, nhưng việc quản lý chặt chẽ là cần thiết.
Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon. |
Như vậy, qua chia sẻ của các diễn giả tại buổi hội thảo đã tìm được 5 giải pháp để tháo gỡ khó khăn về quản trị dòng tiền cho CEO thời “gió ngược":
Một là, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chuẩn bị một kế hoạch tài chính. Kế hoạch bao gồm dự đoán doanh thu và chi phí của doanh nghiệp hàng tháng. Từ nguồn này, các doanh nghiệp sẽ có cơ sở số liệu liên quan đến thu nhập và dòng tiền ra hàng tháng.
Hai là, cân nhắc nguồn huy động. Khi gặp thiếu hụt tiền mặt, các doanh nghiệp thường có hai lựa chọn: hoặc huy động thêm vốn chủ sở hữu (tức là bỏ thêm tiền của mình vào), hoặc huy động vốn vay từ bên ngoài (ngân hàng, thị trường tài chính).
Ba là, sử dụng ứng dụng công nghệ để tự động hóa quy trình kế toán. Những ứng dụng này bao gồm: nghiệp vụ ngân hàng, bảng lương, phần mềm bán hàng và thậm chí cả quản lý dự án đối với một số ngành công nghiệp cụ thể. Những phần mềm này cho phép doanh nghiệp phân tích tình hình tài chính một cách chi tiết và xác định được hướng đi của dòng tiền.
Bốn là, nên giảm thiểu tối đa rủi ro từ việc bán chịu, kiểm soát các khoản nợ phải thu và nợ phải trả. Nhiều khách hàng của doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian thanh toán, dẫn đến bị thiếu hụt tiền mặt. Do vậy, rủi ro từ việc bán chịu cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm.
Năm là, sử dụng các công cụ giúp dự báo dòng tiền một cách chính xác. Dưới góc độ của doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì dự báo dòng tiền được hiểu một cách đơn giản là xem xét những khoản tiền sẽ nhận/thu vào để đảm bảo rằng các khoản chi ra có thể được quản lý để tránh chúng vượt quá các khoản thu vào.