Phó tướng AIC đóng vai trò chỉ đạo, điều hành
Tại tòa, bị cáo Phan Huy Anh Vũ khai đã nhiều lần nhận tiền của Công ty AIC, với tổng số tiền 14,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vũ cho rằng, những lần nhận tiền đều là khi dự án thực hiện xong, nên Công ty “cảm ơn”, chứ không phải nhận hối lộ trước để giúp cho Công ty AIC trúng thầu.
Ông Vũ cho rằng, mình đã sai lầm và mong được chỉ xét xử một trong hai tội danh đang bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố hiện nay là “Nhận hối lộ” hoặc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo tại Tòa. |
Cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC Hoàng Thị Thúy Nga khai nhận, sau khi biết thông tin về dự án, đã họp xem xét về năng lực kinh nghiệm và thống nhất tham gia dự thầu. Nga đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho cả “quân đỏ” và “quân xanh”, sau đó các đơn vị liên quan tự nộp hồ sơ dự thầu.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc nhận thức về hành vi của mình, Nga không thừa nhận việc chỉ đạo nhân viên thông đồng với chủ đầu tư, tư vấn mời thầu và tư vấn thẩm định giá theo như cáo trạng và lời khai của các nhân viên, người liên quan tại Tòa. Thêm vào đó, bà này cũng cho rằng, trong các lần đi gặp gỡ nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, mình chỉ đi cùng Nhàn để trao đổi công việc, còn sau đó nhờ hỗ trợ hay hối lộ các quan chức trên thế nào thì Nga không rõ.
Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị cáo và các tài liệu, HĐXX khẳng định, có đủ cơ sở để xác định Hoàng Thị Thúy Nga trực tiếp gặp Trần Đình Thành, Phan Huy Anh Vũ đặt vấn đề tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án; cũng như việc chỉ đạo các nhân viên cấp dưới thực hiện nhiều hành vi trái quy định nhằm hợp thức hồ sơ dự thầu, thông thầu.
Thành lâp loạt “quân xanh”, kết hợp với nhiều công ty để “thông thầu”
Theo điều tra, ngoài việc trực tiếp điều hành Công ty AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC gồm: Công ty Mopha, Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Môi trường, Công ty CP tư vấn Công nghệ cao, trong đó Mopha do bố đẻ của Nhàn đứng tên thành lập, Nguyễn Thị Tích làm Tổng giám đốc; cũng như kết hợp với nhiều đơn vị khác để làm “quân xanh”, cung cấp hồ sơ, thiết bị như: Công Công ty TNT, Công ty Thành An Hà Nội, Công ty TNHH Trang thiết bị y tế BMS, Công ty Nha khoa Việt Tiên, Công ty Tâm Hợp…
Theo đó, Công ty BMS tham gia đấu thầu 10 gói thầu tại dự án, trong đó trúng thầu gói thầu số 65, với giá trị hơn 49 tỷ đồng, còn lại các gói khác đều đóng vai trò “quân xanh”.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty BMS khai, được Hoàng Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc AIC liên hệ đặt vấn đề nhờ Công ty BMS hợp tác, tham gia đấu thầu tại dự án. Công ty đã tham gia 10 gói thầu và trúng một gói thầu. Ngoài ra Công ty BMS còn ký hai hợp đồng bán cho Công ty TCI 14 thiết bị y tế trị giá hơn 24 tỷ cho Công ty TCI để cung cấp cho bệnh viện.
Bà Thủy còn ký phát hành 13 báo giá, theo các thông tin và mức giá do AIC yêu cầu để chuyển cho Công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới làm căn cứ ban hành chứng thư thẩm định giá, đưa vào hồ sơ dự thầu.
Liên quan tới quá trình lập hồ sơ, thổi giá các trang thiết bị, bị cáo Hoàng Thế Quỳnh, Trưởng nhóm kỹ thuật Công ty AIC khai, do là cấp dưới, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Hoàng Thị Thuý Nga nên chịu trách nhiệm lập các hồ sơ kỹ thuật cho gói thầu của Công ty AIC đối với danh mục giá, giá đầu ra sẽ được nhân lên khoảng 1,3 lần so với đầu vào, sau đó gửi cho Nga để lãnh đạo công ty duyệt, ký.
Ngoài ra, Quỳnh cũng thừa nhận chính là người thực hiện theo chỉ đạo của Nga để trực tiếp làm báo giá cho các công ty “quân xanh”.
Để hợp thức việc trúng 16 gói thầu, các Công ty AIC, BMS, TNT, Thành An Hà Nội được xác định được lập các hồ sơ nhằm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong hồ sơ mời thầu như Bảo lãnh, bảo hành, ủy quyền bán hàng của hãng…; trong khi đó các hồ sơ “quân xanh” không có các văn bản này nên bị loại.