Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình trước Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk |
Sáng nay, trong phiên giải trình trước Quốc hội về một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan của Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến nhiều đại biểu đề nghị có những chính sách đặc thù mạnh mẽ hơn, tạo đột phá cho Buôn Ma Thuột khai phá tiềm năng, lợi thế của mình để trở thành trung tâm của khu vực.
Cá đại biểu cũng đề nghị mở rộng số lượng và phạm vi chính sách ưu đãi, đồng thời bảo đảm không bị lợi dụng trong trốn thuế, chuyển giá, bảm đảm quốc phòng an ninh
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc lại, đây là lần đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội cho 1 đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc tỉnh, cấp huyện, do vậy, chưa có tiền lệ, vì vậy, các nội dung chính sách cần đảm bảo một số nguyên tắc.
Đầu tiên là phải phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tiếp sau là phù hợp với phạm vi của thành phố thuộc tỉnh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phù hợp với cả điểm nghẽn trong thu hút đầu tư của thành phố và khu vực Tây nguyên.
Ba là, không phá vỡ hệ thống pháp luật chung, do đó, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn những chính sách đặc thù, nhưng tương đồng với các chính sách Quốc hội đã cho phép áp dụng với các địa phương khác, nhưng trong phạm vi của Thành phố Buôn Ma Thuột.
Dựa trên 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp tại Kết luận 67, Chính phủ đã xây dựng 5 nhóm chính sách cho Thành phố.
“Cách lựa chọn chính sách dựa trên các nguyên tắc trên sẽ đảm bảo cả tính tương đồng và tương quan”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, dù có những ý kiến đại biểu góp ý, nhưng nằm ngoài các nguyên tắc và các nhóm nhiệm vụ trên, nên cần lựa chọn các chính sách phù hợp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế luận 67 của Bộ Chính trị với 32 nhiệm vụ cụ thể, 17 dự án trọng điểm. Các chính sách đặc thù cho Thành phố Buôn Ma Thuột phải không trùng với các chính sách đã có trong Chương trình hành động cũng như các dự án trọng điểm.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 23 về Vùng Tây nguyên, Chính phủ cũng sẽ xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho Vùng Tây nguyên, cũng như các vùng khác, nên sẽ nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ các cơ chế chính sách chung và cho vùng Tây nguyên phù hợp trong thời gian tới.
Về các chính sách ưu đãi, Bộ trưởng cho biết, đã bám sát vào Kết luận 67, đó là tập trung vào 2 lĩnh vực nông sản và cà phê để đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi, sơ kết, đánh giá và có thể đề xuất bổ sung chính sách mới nếu phù hợp, Bộ trưởng báo cáo.
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. |
Trước đó, thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều đại biểu tiếp tục có ý kiến về các chính sách ưu đãi được đề cập.
Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột còn một số mặt chưa hợp lý.
“Vì dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuật được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ dẫn đến phạm vi việc miễn, giảm khá rộng, thời gian áp dụng lại khá dài sẽ dẫn đến tâm lý thiếu công bằng đối với các địa phương khác trong cả nước”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Đây là lý do đại biểu lo ngại dẫn đến chuyển giá trốn thuế nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ. Đồng thời, tác động ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dễ thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên và tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa của một số doanh nghiệp.
Về dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng các ưu đãi đầu tư, Dự thảo quy định thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo.
Đại biểu cho rằng, quy định trên cần làm rõ thêm nguồn gốc sản phẩm là dự án trồng cà phê và chế biến cà phê tại địa phương hay mang từ nơi khác đến. Đồng thời phải xem xét mức đề xuất được miễn, giảm tại địa phương phải bảo đảm cạnh tranh đối với các huyện khác trong toàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên theo quy định
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre bên cạnh với cơ chế tài chính, cho rằng cơ chế này thì không chỉ thành phố Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi.
HĐND tỉnh sẽ quyết định và giám sát theo danh mục những dự án đầu tư cụ thể, đúng quy hoạch và có phương án, khả năng cân đối ngân sách trả nợ. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của cơ chế, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát danh mục các dự án đảm bảo tính kết nối có tác dụng lan tỏa tới các
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng kiến nghị ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk, trong đó có nhưng chính sách riêng cho thành phố Buôn Ma Thuột.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, để chính sách được quy định trong nghị quyết đủ mạnh và không dàn trải, cần bổ sung, cụ thể hóa các quy định chính sách để đảm bảo không xung đột với các chính sách khác và đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra bao gồm chính sách về xây dựng; bảo vệ, phát triển các vùng nguyên liệu.
Theo đại biểu, ngành cà phê không thể phát triển đơn độc, do đó bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê thì rất cần phát triển các nguyên liệu khác có thể trở thành sản phẩm sau cà phê, sản phẩm phụ trợ cho cà phê.
Nếu chủ động trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đủ mạnh, đủ hấp dẫn và đảm bảo trong tất cả mọi tình huống thì chính sách về phát triển cà phê sẽ an toàn hơn. Đại biểu cho rằng, việc tập trung vào một địa bàn, địa giới hành chính là chưa đủ mạnh, do đó cần phải mở rộng các vùng phụ cận, rộng hơn nữa là các vùng nguyên liệu của Tây Nguyên và trong nước. Song hành với đó là chính sách việc làm, thu nhập cho người lao động ở trên các lĩnh vực cà phê và nguyên liệu nói chung.
Về chính sách khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học và thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, bên cạnh các chính sách chung để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có các cơ chế đặt hàng, giải thưởng bản quyền để khuyến khích việc nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực mà thành phố cần.
Bên cạnh đó có những cơ chế để thu hút được những nhà khoa học, những viện nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu học có uy tín.