Trong khi Ngân hàng Nhà nước nỗ lực giảm lãi suất, thì nhiều lĩnh vực khác lại có những chính sách làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. |
Về sự đồng bộ, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở đâu đó, ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên.
Ví dụ vấn đề hoàn thuế, nếu một doanh nghiệp xuất khẩu mà đọng vốn hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây không phải là trường hợp hãn hữu của một vài doanh nghiệp, mà rất nhiều ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng xuất khẩu, như nông sản.
Ông Tuấn nhấn mạnh, hiện tại, tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác.
"Nhiều doanh nghiệp "kêu" khó khăn nhất là phải chờ đợi các quyết định hành chính mà không biết chờ đến lúc nào. Cần sự đồng bộ chính sách của nhiều ngành để đẩy nhanh tốc độ của quyết định hành chính", ông Tuấn nêu kiến nghị
Vấn đề thứ hai là thực thi chính sách. Ông Tuấn khẳng định có chính sách tốt, nhưng nếu thực thi không nhanh, không mạnh, không tốt, chắc chắn hiệu ứng của chính sách sẽ bị giảm đi nhiều.
"Môi trường kinh doanh hơn lúc nào hết cần phải cải thiện nhanh, mạnh mẽ. Có những vấn đề, chúng ta không thể kiểm soát được như tổng cầu của thế giới, suy giảm kinh tế thế giới; nhưng điều có thể kiểm soát được là tổ chức thực thi các chính sách ở trong nước giúp thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế, tạo điều kiện cho sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư", ông Tuấn tha thiết.
Dẫn chứng thêm về khó khăn của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ví dụ thêm vấn đề chậm hoàn thuế VAT, có doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, song thực tế cho thấy, năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm do nhiều yếu tố.
Ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nêu quan điểm, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn.
“Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa,” ông Thế Anh lưu ý.
Bên cạnh đó, theo ông Thế Anh, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải đồng thời kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc. Nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân. Giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa.