Hợp long Cầu Cao Lãnh Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau 41 tháng thi công, các phần chính của cầu cơ bản hoàn thành và hợp long, hai bờ sông Tiền được nối liền, đáp ứng mong mỏi bao năm của người dân Đồng Tháp nói riêng, người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Đến nay, dự án hoàn thành tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng. Các hạng mục còn lại và công tác hoàn thiện tiếp tục triển khai khẩn trương để đưa công trình khai thác trong năm 2017.
Ông Thi cho biết, Cầu Cao Lãnh do Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã ký hợp đồng dự án xây dựng cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) với liên danh nhà thầu xây dựng Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C Việt Nam để xây dựng. Tư vấn giám sát thi công là Liên danh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc. (Mỹ) - WSP FINLAND Ltd (Phần Lan) - YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc).
Cầu Cao Lãnh được bắc qua sông Tiền thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu. Là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Mê Kông.
Cầu Cao Lãnh với chiều dài 2.014,74 m gồm: Phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính 350m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều cao trụ tháp là 123,4 m, nhịp thông thuyền 37,5 m, mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5m, Cầu sẽ có 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/h.