Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả hai chiều mua và bán ra. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 12 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã giảm mạnh xuống dưới mốc 1.914 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây, trước bối cảnh nhà đầu tư đang chuẩn bị cho dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ sắp được công bố có thể ảnh hưởng đến lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.918,43 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,02% xuống 1.950,3 USD/ounce.
Theo các chuyên gia của Kitco, thị trường giao dịch kim loại quý đã gặp phải áp lực khi nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - Trung Quốc, bước vào tình trạng giảm phát. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 7 đều giảm.
Cụ thể, CPI trong tháng 7 của Trung Quốc giảm 0,3% so với năm ngoái, mức giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, mặc dù chỉ số này trong vài tháng gần đây là cận kề với mức giảm phát. PPI cũng giảm tháng thứ 10 liên tiếp, khi hụt 4,4% trong tháng 7 so với năm ngoái.
Nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở Trung Quốc kết hợp với sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản cũng như xuất khẩu giảm nhanh chóng đang thúc đẩy các nhà sản xuất giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7 trong lúc nhu cầu yếu đe dọa triển vọng hồi phục của nền kinh tế số hai thế giới.
Lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này trong tháng 7 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lớn hơn nhiều so với dự báo và là tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm. Lượng xuất khẩu tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh hơn so với mức dự báo là 12,5%.
Điều đó có thể ảnh hưởng đến các nước phát triển, mà các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn đang tăng lãi suất để chế ngự lạm phát gia tăng.
Trong khi đó, giới quan chức của Fed đang cân nhắc kịch bản ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 19-20/9.
Phát biểu tại một sự kiện ngày 8/8, Chủ tịch Fed tại Philadelphia Patrick Harker cho biết cơ quan này có thể ngừng tăng lãi suất nhằm ngăn ngừa các vấn đề bất ngờ đối với nền kinh tế nhưng lãi suất sẽ cần duy trì ở mức cao hiện nay trong một thời gian.
Trước khi cuộc họp diễn ra, Fed sẽ nhận được hai báo cáo về tình hình lao động và hai báo cáo về tình hình lạm phát, trong đó một báo cáo sẽ được đưa ra vào ngày 10/8.
Giới chuyên gia đang dự đoán CPI tháng 7 dự kiến sẽ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ một chút so với mức 3,0% của tháng 6. Chỉ số PPI trong tháng 7 cũng được dự đoán sẽ tăng nhẹ so với tháng 6.
Cùng quan điểm cứng rắn, trước đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman đã nói rằng Fed cần tiếp tục tăng lãi suất nếu cần để khôi phục hoàn toàn sự ổn định của giá cả.
Hầu hết các nhà giao dịch mong đợi không có thay đổi nào từ Fed tại cuộc họp chính sách vào tháng 9. Chỉ có 13,5% cơ hội tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, theo Công cụ FedWatch của CME.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,01% xuống 102,47 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 10/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.826 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên trước.
Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.635 - 25.017 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 23.570 VND/USD (mua vào) và 23.910 VND/USD (bán ra), không thay đổi so với hôm qua.