Thời sự
Chờ tác động từ 30 quy định tốt nhất - kém nhất
Khánh An - 01/03/2017 10:48
Kỳ vọng có một bảng xếp hạng Top 10 quy định liên quan đến kinh doanh theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đã không diễn ra. Cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016 diễn ra sáng qua (28/2) tại Hà Nội công bố danh sách 30 quy định đề cử tốt và 30 quy định đề cử kém.
TIN LIÊN QUAN

Bức tranh tốt

Những quy định có tên trong danh sách 30 tốt không có nhiều bất ngờ, vì khi chúng được ban hành, những phản ứng tích cực từ cộng đồng kinh doanh đã rất rõ.

Đó là quy định bãi bỏ tội kinh doanh trái phép; Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ quy định về mức trần 15% cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hỗ trợ... liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có nhiều hơn một đại diện theo pháp luật...

Cuộc bình chọn quy định pháp luật tốt nhất - kém nhất được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo

Nhưng điều đáng nói là, 8/30 trong danh sách này là bãi bỏ những quy định mà doanh nghiệp đã kêu ca là phiền hà trước đó.

“Động thái này là tích cực, nhưng doanh nghiệp muốn sự thay đổi lớn hơn trong cách hành xử của các cơ quan hoạch định chính sách, đó là đưa ra những quy định thúc đẩy, hỗ trợ kinh doanh chứ không chỉ là cắt bỏ, tháo gỡ những vướng mắc hiện có”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Trưởng nhóm Nghiên cứu thực hiện Cuộc bình chọn bình luận.

Ở góc độ này, những quy định như cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; bỏ thủ tục đăng ký hoặc cấp phép đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, thủ tục với nhà đầu tư nước ngoài… có thể là những ví dụ điển hình.

“Khi điều kiện thị trường thay đổi, việc chủ động thay đổi các quy định để giảm các tác dụng phụ tiêu cực mà không ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách, mục tiêu quản lý nhà nước là cách  ứng xử doanh nghiệp chờ đợi trong môi trường kinh doanh hiện tại”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong danh sách 30 quy định chưa tốt được công bố lần này, đã có 5 quy định được sửa đổi sau khi danh sách ngắn được gửi tới các cơ quan có liên quan; 13 quy định đã có tên trong kế hoạch sửa đổi của các bộ, ngành.

“Đây là phản ứng tích cực mà chúng tôi chờ đợi từ kết quả Cuộc bình chọn này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Những lấn cấn còn lại

Ngay trong danh sách được công bố, thứ hạng cũng được các chuyên gia VCCI nhấn mạnh là không tính đến. Ông Tuấn thừa nhận, Cuộc bình chọn lần đầu tiên này đã không đi hết kế hoạch ban đầu, đó là công bố Top 10 quy định tốt nhất và Top 10 quy định kém nhất.

Cuộc bình chọn quy định pháp luật năm 2016
Khởi động: ngày 22/12/2015
Tổng số văn bản đề cử: 9.297
Số cá nhân, tổ chức đề cử: 1.739
Số văn bản đề cử quy định tốt: 114 (48%)
Tổng số quy định kém: 123 (52%)
10 tiêu chí đánh giá: Sự cần thiết; Tính hợp lý; Tính thống nhất; Tính khả thi; Tính minh bạch; Chi phí tuân thủ; Quyền tự do kinh doanh; Thúc đẩy cạnh tranh; Kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và Thời điểm ban hành/có hiệu lực.

“Ngay khi danh sách ngắn được gửi tới các bộ, ngành để có ý kiến phản biện, có khá nhiều phản ứng, cả nóng và lạnh, nên chúng tôi quyết định chỉ dừng ở việc công bố danh sách 30 quy định tốt và 30 quy định kém”, ông Tuấn nói.

Trong số những phản hồi về các quy định kém nhất từ các bộ, ngành có liên quan, có cơ quan không phản hồi, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có đơn vị đề nghị loại quy định của họ ra khỏi danh sách tồi nhất, như Bộ Tư pháp, hay không công khai lý do như Bộ Công thương.  

Dù không bình luận chi tiết, song các chuyên gia nghiên cứu đã lý giải phần nào sự chưa tích cực tham gia đề cử của nhiều hiệp hội doanh nghiệp mà chính họ đã nhắc tới trước đó. Có thể nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đang chờ đợi tác động của lần bình chọn đầu tiên này tới các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trước khi chính thức tham gia.

Nhưng đây cũng chính là điều mà các chuyên gia - một thành phần quan trọng của cuộc bình chọn, muốn nhấn mạnh. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu các bộ, ngành còn tư tưởng thờ ơ với các kiến nghị từ doanh nghiệp, thì tư tưởng chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang quyết tâm thực hiện - Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ người dân, doanh nghiệp - sẽ không thực hiện được.

“Chính phủ phục vụ là phải nhìn vào phản ứng của người dân, doanh nghiệp để xác định nhiệm vụ của mình, đảm bảo mục tiêu phục vụ tốt hơn”, ông Cung nói.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, điều quan trọng là kết quả cuộc bình chọn sẽ đưa ra những khuyến nghị cho các cơ quan soạn thảo, xây dựng và biểu quyết các quy định về trách nhiệm của họ với hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

“Với lần công bố đầu tiên này, chúng tôi mở thêm ra một cơ chế đối thoại mới giữa doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định chính sách. Thông điệp chúng tôi muốn đưa ra, đó là chất lượng công việc các cơ quan hoạch định chính sách đang dưới sự giám sát của người dân và doanh nghiệp, nên trách nhiệm hoàn thiện thể chế là yêu cầu cao nhất mà các bộ, ngành cần phải đạt được”, ông Lộc khuyến nghị.

Tin liên quan
Tin khác