Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hay vướng vào bài học về kỷ luật thép và lòng tham |
Một người không hiểu được và không phân biệt được hai khái niệm trên thường có suy nghĩ và hành vi như sau: Chơi chứng khoán như chơi bạc; dùng tâm linh, phong thủy để chơi chứng khoán; theo thuyết âm mưu là chủ yếu, tức mua theo tin tức từ nhiều nguồn khác nhau; “Tôi sẽ chơi chứng khoán để kiếm nhà cửa, xe hơi…”; cổ phiếu về tới vùng giá này là đáy, giảm hết mức rồi mình phải “tất tay”; hay “Tôi quen biết cả chủ doanh nghiệp, giám đốc đầu tư và những nhân vật lớn, mối quan hệ khác nên chơi chứng khoán dựa trên các mối quan hệ này”.
Và còn rất nhiều kiểu suy nghĩ, hành vi đa dạng khác trên thị trường dẫn tới sự mất tiền, nó đưa tôi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác trong việc cố gắng tìm ra công thức thành công của người chơi chứng khoán.
Chính vì vậy, không ở đâu, lĩnh vực nào lại sinh ra nhiều chuyên gia và phương pháp đầu tư như trong lĩnh vực tài chính. Hầu hết mọi người đều bị cuốn vào vòng xoáy đó và không tự nhận ra mình đang ở đâu trong kênh đầu tư này. Nên các cuộc gặp với nhà đầu tư đều có chung kết quả “Thời gian trôi nhanh, già nhanh và chỉ có gia sản là đi xuống, hao tâm, tốn sức mà không được gì cả”.
Sau một quá trình thua lỗ, chán nản, các suy nghĩ sau sẽ hình thành: Sợ chơi chứng khoán; chơi chứng khoán khó lời mà dễ mất tiền. Ngay cả các nhà đầu tư cũng nghĩ tiền mình đầu tư đưa chủ doanh nghiệp tiêu xài không thể kiểm soát được, họ lấy tiền phục vụ nhu cầu cá nhân, làm hại tới công ty và cổ đông.
Tất cả các suy nghĩ lối mòn này thực ra chỉ để ngụy biện cho sự nông cạn và không biết cách đầu tư của mình. Xin trích một câu nói hay trong tác phẩm “Pay back time” (Ngày đòi nợ) của tác giả PhilTown – người từng là hướng dẫn viên du lịch và trở thành triệu phú nhờ đầu tư chứng khoán: “Những người theo chủ nghĩa hoài nghi sẽ nghĩ rằng chúng ta chẳng thể biết những gì đang xảy ra trong một doanh nghiệp.
Đó là vì họ không biết cách đầu tư. Những nhà đầu tư vĩ đại sẽ cười nhạo nhận định ấy. Chúng ta sẽ rất mong rằng họ sẽ tiếp tục dạy những điều vớ vẩn ấy trong trường kinh doanh để chúng ta có thể tiếp tục mua cổ phiếu của những công ty tuyệt vời”. Nếu bạn là người từng trải nghiệm và có sự nghiên cứu nghiêm túc về đầu tư bạn sẽ hiểu sâu sắc câu nói trên.
Tất cả đều phải học từ đầu khi bước vào lĩnh vực hoàn toàn mới, là khởi nguồn của sự thịnh vượng. Với những người trẻ nên nghiêm túc. Với những người đã có sự nghiệp vững chắc muốn vươn tới tự do tài chính, hãy dẹp bỏ cái tôi để dấn thân hơn nữa, tìm hiểu một cách bài bản và dành nhiều nhất tâm huyết của mình vào kênh đầu tư này.
Bạn có thể rất giỏi trong lĩnh vực mình đang làm, nhưng bạn đang ở một thế giới khác, mọi thứ đều phải học.
Những nhà đầu tư vĩ đại ban đầu cũng đều là những con người rất bình thường, có người còn xuất thân từ nghèo khó, chính vì vậy, nỗ lực của họ rất phi thường. Tuy thành công không có một công thức cụ thể, nhưng bạn sẽ khó thấy một người thành công lớn mà thiếu đi một trong ba yếu tố sau: Tư duy x Nhiệt huyết x Chuyên môn (trích từ cuốn “Cách sống từ bình thường trở nên phi thường” của tác giả Inamori Kazuo). Đây là một tích số, sắp xếp theo thứ tự quan trọng dần, thiếu một trong ba yếu tố này, bạn sẽ khó lòng vươn tới lý tưởng mà mình muốn đạt được.
Bây giờ hãy liên hệ với quá trình đầu tư của chúng ta, những người chơi chứng khoán và đầu tư nghiệp dư đang loay hoay với điều số 3 hoặc thậm chí không quan tâm tới bất kỳ điều nào trên đây, vì còn bận nhìn bảng điện và nghe ngóng tin tức từ bốn phương.
Tôi được gặp gỡ nhiều người có tài sản khá lớn, nhưng không biết cách đầu tư và cũng đang tìm cách đi lên những nấc thang cao hơn của sự tự do tài chính, vì vậy, tôi cũng không bất ngờ khi hầu hết nhà đầu tư tôi gặp chủ yếu là “chơi chứng khoán”.
Vấn đề mà chúng ta đang đối diện không nằm ở năng lực hay khả năng của bản thân, bước vào đầu tư bạn chỉ cần một chỉ số IQ vừa phải, chứ không cần quá thông minh. Cái chúng ta đối diện hàng ngày là “tư duy ngắn hạn, thấy cái lợi trước mắt, mà không nghĩ tới đại cuộc, lâu dài”. Nó chi phối, ăn sâu vào tiềm thức của những người chơi chứng khoán.
Rất nhiều câu nói hay để khuyên chúng ta tư duy cho đúng đắn về điều này như câu nói “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu” của Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Mỹ. Hay “Kinh doanh mà không có kế hoạch là việc bạn đang tự lập kế hoạch cho sự thất bại trong kinh doanh” của một ai đó.
Vậy bạn sẽ hỏi tôi là cách xác định bạn đang ở đâu trong nấc thang đầu tư để phấn đấu? Xin được dẫn lại một bài viết khá hay mà tôi từng đọc, đại khái nhà đầu tư sẽ cần trả lời ba câu hỏi tương ứng với nấc thang cao dần về sự nhận thức trong đầu tư:
What (cái gì): Chứng khoán là gì, cách doanh nghiệp kinh doanh, vận hành ra sao? Những vấn đề xung quanh một doanh nghiệp và kênh đầu tư này? Các thị trường chứng khoán vận hành ra sao, vai trò chức năng chính là gì? Đây là những câu hỏi sơ khai nhất trước khi bước vào đầu tư với một tâm thế hoàn toàn mới, nhìn nhận mọi thứ theo khía cạnh khách quan nhất. Giai đoạn này chủ yếu là quá trình tự tìm hiểu và căn bản nhất trong nấc thang đầu tư.
How (như thế nào): Họ làm điều đó như thế nào? Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư vĩ đại, thành công trên thế giới đã dùng phương pháp gì để thành công?
Hầu hết các nhà đầu tư, chuyên gia đều dừng lại ở giai đoạn này. Một số người sẽ học hỏi được kinh nghiệm trong quá trình đầu tư thua lỗ và dừng lại ở đây, các chuyên gia là người đi thu thập, học hỏi rồi truyền đạt lại cho các nhà đầu tư ở nấc đầu tiên mà tôi đề cập phía trên.
Họ ít khi là người thực chiến, thực thi được các phương pháp mà họ là người truyền ước mơ, sự hào hứng cho các nhà đầu tư mới bước vào. Họ sẽ là người giàu lên và nhà đầu tư nếu không biết chọn lọc để áp dụng rất dễ bị “tẩu hỏa”. Đây là nấc thang rất dễ dẫn tới lối mòn nếu không vượt qua được thì mãi mãi chúng ta chỉ là người đi thu thập nguyên liệu về nấu một nồi lẩu thập cẩm, chúng ta không thể trở thành một đầu bếp giỏi được.
Why (tại sao): Tại sao tôi vẫn chưa đạt được hiệu quả cao, cần làm gì để khắc phục? Rất ít nhà đầu tư đi được tới nấc thang này, vì còn mải mê với quá nhiều bận tâm trong cuộc sống, công việc, gia đình và cả trường hợp đi chệch hướng trong tư duy đầu tư. Tới giai đoạn này, nhà đầu tư cũng đã “thấm đòn”, kinh nghiệm có nhiều, kiến thức cũng rất vững vàng nhưng vẫn chưa thể kiếm lời.
Có thể chúng ta vẫn vướng vào bài học về kỷ luật thép và lòng tham, tới lúc này nhà đầu tư hãy nhìn lại phương trình phía trên mà tôi đề cập. Liệu sau bao nhiêu năm “chiến đấu”, chúng ta còn sự đam mê và nhiệt huyết để tiếp tục chặng đường cuối cùng trước khi về đích hay không.
Đi tới đây, hẳn nhà đầu tư đã có tư duy đúng đắn, điều còn lại là sự mạnh mẽ, năng lượng tràn đầy để chuẩn bị hưởng thành quả là đứng dưới bóng mát của cái cây mà chúng ta đã gieo trồng bao năm nay.
Nên nhớ, thiếu một trong ba yếu tố thì tích số cũng vẫn sẽ bằng 0. Không như ở giai đoạn đầu, giai đoạn này đã có rất nhiều thứ để mất, nhưng không được mất niềm tin, nghi ngờ sẽ giết chết thành công.
Tôi đánh giá người thông minh trong đầu tư không phải bằng IQ, mà là sự mạnh mẽ nhìn nhận thẳng thắn và học từ sai lầm của chính bản thân mình.
Đọc tới đây chắc hẳn bạn đồng cảm với tôi về sự khó khăn trong đầu tư và người giải quyết khó khăn này không ai khác là chính bạn. Và bạn cũng hiểu luôn rằng mình cần xử lý ra sao với các tin tức, tư vấn và mọi thứ bạn tiếp xúc qua các kênh truyền thông, bạn bè. Hãy bình tâm mà suy nghĩ, đánh giá lại và xếp vào trong kho tri thức của chúng ta, phân loại nó nằm ở mục nào trên con đường nghiên cứu.
Hãy cố gắng giữ một cái đầu lạnh để tâm không động trong một thị trường đầy biến động.
Khi lượng đổi chất sẽ đổi, sẽ có một lượng kiến thức khổng lồ mà bạn phải trau dồi, học hỏi ngày qua ngày. Các nhà đầu tư huyền thoại cũng đều phải mất hàng chục năm để hình thành một triết lý đầu tư cho riêng mình.
Warren Buffett từng đọc cuốn “Phân tích chứng khoán” của Benjamin Graham 12 lần trước khi quyết định một khoản đầu tư vào cổ phiếu công ty. Là một nhà đầu tư huyền thoại mà ông vẫn cần phải làm như vậy thì việc nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ chúng ta dành vài năm để nghiên cứu chuyên môn cũng không có gì là lạ.
Vingroup là tập đoàn đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam, nhưng trong tương lai gần có thể sẽ là nhà sản xuất công nghiệp nặng. Một tập đoàn lớn vẫn phải thay đổi, chuyển hướng đầu tư đa ngành thì mọi suy nghĩ mà chúng ta cho rằng đó là chân lý cũng không thể đúng trong mọi trường hợp, vẫn cần có sự linh hoạt thay đổi cho phù hợp, chứ không nên tư duy cứng nhắc.
Cuối cùng, sẽ không có “việc nhẹ, lương cao” và công thức cứng nhắc để đầu tư cổ phiếu thành công. Chúng ta vẫn phải không ngừng học hỏi, không ngừng thực thi và rút kinh nghiệm.
Mong muốn của cá nhân tôi, các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận đúng bản chất hơn về kênh đầu tư này để chúng ta có một cộng đồng đầu tư chuyên nghiệp, khách quan hơn trên đà phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Để khi nhắc tới nghề đầu tư chứng khoán, ai cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và trân trọng hơn.