Bản đồ Dự án BOT Quốc lộ 91 và một số tuyến giao thông trong khu vực |
Chờ chốt phương án
Số phận hẩm hiu của Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+00 đến Km50+889 cùng hạng mục mở rộng và tăng cường nền mặt đường Quốc lộ 91B đoạn Km0+00 - Km15+793 theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án BOT Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B) sẽ phải chờ thêm ít nhất 10 ngày nữa mới có thể được định đoạt.
Sở dĩ phải nói như vậy bởi cuối tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4779/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành đối với kiến nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về giải pháp xử lý bất cập tại các trạm thu phí Dự án BOT Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo về vướng mắc chung của các dự án/trạm thu phí BOT theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 158/TB-VPCP ngày 26/5/2022, Công văn số 3900/VPCP-CN ngày 24/6/2022 và Công văn số 4343/VPCP-CN ngày 12/7/2022); trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2022 để báo cáo Thường trực Chính phủ.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B nằm trong nhóm 7 dự án BOT đường bộ đang gặp khó khăn về tài chính, vừa được Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền có giải pháp xử lý đặc biệt.
Liên quan vướng mắc của các dự án/trạm thu phí BOT, tại Thông báo số 158/TB-VPCP, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cơ bản thống nhất phương án đề xuất của Bộ GTVT để có thể giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của các dự án/trạm thu phí BOT; bảo đảm quyền lợi, lợi ích các bên theo quy định hợp đồng đã ký và quy định pháp luật; khơi thông, thu hút nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Phó thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương rà soát các nội dung liên quan, đặc biệt là cơ sở pháp lý, các quy định pháp luật; làm rõ giải pháp tổ chức thực hiện để bảo đảm không gây thất thoát vốn nhà nước; hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2022 để báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình hoàn thiện báo cáo theo quy định của pháp luật”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, ngày 30/6/2022, Bộ GTVT đã có Công văn số 6579/BGTVT-ĐTCT đệ trình Thủ tướng giải pháp xử lý bất cập tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước khoảng 1.879 tỷ đồng để chi trả cho nhà đầu tư, xóa trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91 và giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, quyết toán giá trị hoàn thành công trình và các chi phí liên quan dự án, đàm phán với nhà đầu tư để xác định chi phí đúng quy định hợp đồng dự án, tuân thủ quy định pháp luật.
Để thuận tiện trong quản lý theo quy hoạch của đô thị, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề nghị của UBND TP. Cần Thơ về việc tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến Quốc lộ 91B thuộc TP. Cần Thơ.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT nghiên cứu cân đối nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.
“Trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước thực hiện theo các quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan”, Công văn số 6579/BGTVT-ĐTCT nêu rõ.
Được biết, Dự án BOT Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B được đầu tư theo chủ trương được Thủ tướng chấp thuận; đã hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn tuyến Quốc lộ 91 từ tháng 4/2016 và đoạn tuyến Quốc lộ 91B từ tháng 12/2016 đúng theo tiến độ, đúng quy định pháp luật và bảo đảm mục tiêu hiệu quả đầu tư dự án.
Theo quy định tại Hợp đồng BOT, sau khi hoàn thành, nhà đầu tư được thu phí tại trạm T1 (Km16+905,83, Quốc lộ 91) để hoàn vốn đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn là 15 năm 9 tháng 25 ngày.
“Vị trí đặt trạm thu phí T1 và trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91 đều đã được Bộ GTVT thống nhất với các cơ quan chức năng của TP. Cần Thơ và Bộ Tài chính”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Nguy cơ phá sản
Được biết, nếu không kể thời gian xây dựng, thì công tác thu phí Dự án chỉ diễn ra bình thường trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2017.
Sau thời gian này, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án liên tục phải đối mặt với các vướng mắc, bất cập nảy sinh liên tục tại trạm thu phí T1 và T2 trên Quốc lộ 91, ảnh hưởng đến việc thu phí hoàn vốn, không bảo đảm phương án tài chính của Dự án.
Tình trạng chông chênh về tài chính đối với Dự án BOT Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B trở nên xấu đi sau khi thông xe cầu Vàm Cống vào tháng 5/2019, các phương tiện đi từ tỉnh Đồng Tháp sang tỉnh An Giang theo Quốc lộ 80 phải đi qua trạm thu phí T2 (đi khoảng 700 m của Dự án BOT) đã phản ứng, cản trở việc thu phí, gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2. Trước tình hình bất khả kháng, nhà đầu tư đã phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25/5/2019.
Việc không được thu phí tại trạm T2 và chỉ thu phí tại trạm T1 dẫn đến không bảo đảm doanh thu thu phí hoàn vốn và phương án trả nợ theo phương án tài chính dự án.
Bên cạnh đó, dự án này còn bị ảnh hưởng nặng nề do việc đầu tư các tuyến đường bộ, đường cao tốc trong vùng sớm hơn khá nhiều so với phương án tài chính được phê duyệt; việc giảm giá vé cho các phương tiện loại 4 và nhóm 5, giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm theo chủ trương của cấp có thẩm quyền; không được tăng giá vé theo lộ trình; ảnh hưởng của Covid-19.
Ông Trần Như Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết, việc doanh thu sụt giảm do cơ chế chính sách dẫn tới dự án không đủ trả vốn vay và lãi cho ngân hàng, chưa trả lợi nhuận nhà đầu tư theo quy định hợp đồng, doanh nghiệp dự án đã và đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung vốn để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch.
Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nhơn Trạch là đơn vị tài trợ vốn đã đánh giá nhóm nợ khoản vay của Dự án xuống nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn, nợ xấu) do “khách hàng hoạt động trên 3 năm có lợi nhuận sau thuế âm trong 2 năm liên tiếp, suy giảm nguồn trả nợ”.
Phía ngân hàng cũng đã không tiếp tục giải ngân để thực hiện công tác bảo trì, dẫn đến tuyến đường có nguy cơ xuống cấp, gây mất an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 3/2022, Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết, doanh nghiệp dự án bất lực trong việc xoay xở 61 tỷ đồng để sửa chữa vừa và sửa chữa hư hỏng tại 4 cầu trên tuyến (gồm Thới Ninh, Rạch Cam, Xẻo Sao, Xẻo Khế), dù đây là tình huống rất cấp bách có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên tuyến.
Tại Công văn số 6579/BGTVT-ĐTCT, Bộ GTVT thừa nhận, việc không được thu phí tại trạm thu phí T2 và ảnh hưởng đến việc thu phí tại trạm T1 được xem là trách nhiệm giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và là tình huống bất khả kháng do các bên không thể lường trước và không thuộc về lỗi của nhà đầu tư.
Theo Bộ GTVT, trong thời gian vừa qua, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phối hợp với địa phương và nhà đầu tư đàm phán lựa chọn giải pháp khắc phục để tiếp tục thực hiện hợp đồng, song do chỉ thu phí tại trạm thu phí T1, nên dẫn đến doanh thu thu phí sụt giảm lớn, không bảo đảm khả năng hoàn vốn dự án. “Do vậy, phương án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và Nhà nước thanh toán các chi phí cho doanh nghiệp dự án là phù với quy định của hợp đồng, quy định của pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Theo Bộ GTVT, các dự án BOT giai đoạn trước đây được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, nên thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn (theo quy định tại khoản 3, Điều 52, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư) thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Đối với thẩm quyền bổ sung vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn với mức vốn khoảng 1.879 tỷ đồng ở Dự án BOT Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B cũng như giải pháp tổng thể để xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT thuộc diện đề xuất xử lý nói chung (7 trạm/dự án, cần bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.710 tỷ đồng), theo quy định của Luật PPP và Luật Đầu tư công, là thuộc Quốc hội.
“Chúng tôi được biết, Bộ GTVT đã báo cáo cấp có thẩm quyền việc mua lại 7 trạm BOT, trong đó có trạm T2 từ 3 năm trước. Việc này cần xử lý dứt điểm để giao thông thuận lợi hơn, bớt thiệt cho nhà đầu tư BOT”, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang đánh giá.