Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu, chiến lược chống dịch của Việt Nam đến nay luôn xuyên suốt, không thay đổi, đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực.
Chiến lược chống dịch của Việt Nam đến nay luôn xuyên suốt, không thay đổi, đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. |
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, chuyên gia cho hay, chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt, truy vết nhanh thần tốc, cách ly, đảm bảo nghiêm ngặt tránh lây nhiễm chéo.
Hiện nhiều người đặt vấn đề về giãn cách xã hội nhưng theo ông Phu, ở thời điểm đầu đại dịch, khi chúng ta chưa có nhiều năng lực, đặc biệt trong việc truy vết và xét nghiệm việc giãn cách là cần thiết. Còn trong bối cảnh hiện nay, năng lực của chúng ta có thể đảm đương được việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch.
“Giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong khi đó, chúng ta đang hướng mục tiêu kép. Đó là khoanh vùng, chống dịch nhưng tránh gây tổn thất đến kinh tế nhất có thể”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.
Cả người đứng đầu ngành Y tế và các chuyên gia đầu ngành đều chung lo lắng, dự báo dịch còn có thể kéo dài bởi virus biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao và lan rộng nhanh;
Mặt khác dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên kiểm soát khó khăn do có mật độ công nhân tập trung lớn, làm việc trong môi trường yếm khí, di chuyển rộng, nhiều F0 dã di chuyển bằng phương tiện công cộng, tốc độ lây lan nhanh.
Dự báo trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tiếp tục tăng do hiện nay toàn tỉnh vẫn đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và đã xét nghiệm lần 3 đối với tất cả công nhân trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để kiểm soát dịch theo PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cấp thiết phải ngăn chặn lây nhiễm chéo tại các khu công nghiệp, khu cách ly và nhà trọ công nhân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện nay Công ty Hosiden có hai đối tượng là F1 trở thành F0 và đối tượng hiện đang ở khu nhà trọ trong khu phong tỏa, có sự lây nhiễm chéo cho nhau.
Do đó, để phòng tránh lây nhiễm chéo, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các khu cách ly tập trung phải chấp hành đúng quy định về cách ly cũng như lắp camera theo dõi bảo đảm nguyên tắc cách ly phải an toàn.
Theo đó, các khu nhà trọ tại Bắc Giang không chỉ sử dụng hình thức phong tỏa mà tất cả công nhân phải ở trong phòng trọ, mọi thực phẩm thiết yếu sẽ được chủ nhà trọ hoặc những người tình nguyện cung cấp tại chỗ để công nhân không ra ngoài đường.
“Nguyên tắc công nhân tại phòng nào ở nguyên phòng đó thì việc lây nhiễm này sẽ được kiềm chế trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.
Sau khi có kết quả dương tính với khối lượng lớn trong thời gian vài ngày, Bộ Y tế cũng như Bộ phận thường trực đặc biệt đã tư vấn với UBND tỉnh thực hiện một đợt rà soát tất cả các khu vực có nguy cơ rất cao tại Bắc Giang để triển khai phương pháp xét nghiệm mới.
Ngày 26/5, Bắc Giang triển khai xét nghiệm test nhanh trên diện rộng tại tâm dịch trọng điểm nhất là xã Quang Châu và ba thôn của huyện Việt Yên.
Bắc Giang triển khai xét nghiệm test nhanh trên diện rộng tại tâm dịch trọng điểm nhất là xã Quang Châu và ba thôn của huyện Việt Yên. |
Về việc thực hiện thí điểm để người dân tự lấy mẫu, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, trên thế giới có nhiều hướng dẫn giúp người dân có thể xét nghiệm tại nhà.
Trong trường hợp các cơ sở hạn chế nguồn nhân lực có thể để người dân tự xét nghiệm. Bộ Y tế sẽ áp dụng việc này trong khu cách ly của các công nhân tại Bắc Giang.
"Bộ Y tế cũng xây dựng video clip hướng dẫn về phương pháp xét nghiệm test nhanh. Chúng tôi cũng tổ chức tập huấn nhanh cho tất cả mọi người tự nguyện. Sau đó, chúng tôi sẽ giám sát và nhân viên y tế sẽ là người đi lấy mẫu, xử lý lại theo quy định", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ thêm.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, test nhanh không phải là tiêu chuẩn vàng nhưng là xét nghiệm sàng lọc rất giá trị với độ nhạy khoảng 70-80%, được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học.
Sáng ngày 27/5, thông tin từ Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 24 ca mắc Covid-19 mới, gồm Bắc Giang (23), Lạng Sơn (1).
Tại Bắc Giang, bệnh nhân mới đều trong vùng phong tỏa, liên quan các khu công nghiệp.
Ca bệnh ở Lạng Sơn là người đàn ông 49 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, đã được cách ly từ trước do liên quan dịch tễ với một bệnh nhân Covid-19. Kết quả xét nghiệm ngày 26/5 cho thấy ông dương tính với SARS-CoV-2.
"Bộ Y tế hy vọng thời gian làm việc thực hiện và đọc kết quả rất ngắn, chỉ sau 15 phút có kết quả sẽ là công cụ cần thiết giúp cho ngành y tế phân loại, sàng lọc các đối tượng bằng test nhanh và sau đó chúng tôi sẽ xét nghiệm khẳng định lại bằng tiêu chuẩn của RT-PCR", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thì cho hay, muốn khống chế dịch tại Bắc Giang, bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang phải giúp tỉnh Bắc Giang có phương án giãn cách xã hội, khoanh vùng cách ly y tế cụ thể, đảm bảo khống chế, dập được dịch nhanh nhất.
Đầu tiên, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế phải có sự thống nhất chỉ huy công tác xét nghiệm; phối hợp giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng hỗ trợ, giữa các công nghệ xét nghiệm.
Tỉnh Bắc Giang triển khai ngay việc công nhân tự lấy mẫu, xét nghiệm nhanh để giải quyết khâu thiếu người lấy mẫu và nhất thiết không để thiếu sinh phẩm xét nghiệm.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế chi viện tối đa cho tỉnh, trường hợp chưa đủ, tỉnh tổ chức mua ngay theo cơ chế "chống dịch như chống giặc".
Bên cạnh đó, với tỉnh Bắc Giang, Phó thủ tướng cho rằng hiện tại các khu nhà ở công nhân tại Bắc Giang quá dày đặc, không chỉ dễ lây nhiễm chéo mà sinh hoạt cũng rất bí bách trong điều kiện nóng nực.
Vì vậy, tỉnh cần tổ chức xét nghiệm, sàng lọc để sớm điều chuyển bớt những người có nguy cơ nhiễm bệnh thấp về các điểm cách ly ở các thôn, xã khác, tổ chức quản lý chặt chẽ, an toàn.
Ngoài ra, trước dự kiến các ca bệnh sẽ tăng khi tiến hành xét nghiệm nhiều lần trường hợp F1 trong các khu cách ly, phong tỏa và cả trong cộng đồng, Bộ Y tế cần khẩn trương tổ chức các tuyến điều trị không chỉ riêng trên địa bàn từng tỉnh.
Các cơ sở y tế tuyến Trung ương và bệnh viện có năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần giải phóng bớt bệnh nhân không có triệu chứng, đã xét nghiệm âm tính từ 2 lần để sẵn sàng đón bệnh nhân có diễn biến nặng.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!