Tài chính - Chứng khoán
Chóng mặt với ‘mưa’ phát hành tăng vốn
Chí Tín - 21/06/2015 15:34
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết lên dây cót cho kế hoạch phát hành tăng vốn đang khiến nhà đầu tư không khỏi… chóng mặt. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vàng để giới đầu tư thỏa sức tung tiền nếu chọn được địa chỉ tốt.

 

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land, mã LGL, sàn HOSE) dự kiến phát hành gần 10 triệu cổ phần (tương đương gần 100 tỷ đồng tính theo mệnh giá) cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Số cổ phần này tương đương 50% vốn điều lệ hiện tại của Long Giang Land và giá chào bán dự kiến trên 10.000 đồng/cổ phiếu.

Mục đích của Long Giang Land khi huy động vốn lần này là nhằm phục vụ Dự án Thành Thái (TP.HCM) và Dự án 69 - Vũ Trọng Phụng (Hà Nội).

Dự án Khu chung cư Thành Thái (tại phường 14, quận 10, TP.HCM) được thực hiện trên tổng diện tích đất 10.680 m2, trong đó, tổng diện tích sàn xây dựng là 56.668 m2. Dự án gồm 3 khối nhà chung cư cao tầng, mỗi khối cao 25 tầng và có 1 tầng hầm, với 612 căn có diện tích từ 55 đến 110 m2. Công trình dự kiến hoàn thành trong quý IV/2015.

Trong khi đó, Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở 69 - Vũ Trọng Phụng (tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích đất 11.234 m2, gồm 2 khối nhà hỗn hợp văn phòng - dịch vụ công cộng - chung cư cao cấp, với diện tích xây dựng là 4.220 m2, diện tích sàn xây dựng là 79.900 m2.

Đợt phát hành của Long Giang Land, nếu thành công, sẽ tạo nên một diện mạo mới cho doanh nghiệp bất động sản này, vì số cổ phiếu dự kiến phát hành tương đương 50% vốn điều lệ hiện tại của Long Giang Land. Cùng với các đợt chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và thưởng cổ phiếu cho người lao động, vốn điều lệ của Long Giang Land sẽ tăng gần gấp đôi, từ gần 200 tỷ đồng lên gần 346 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với thị giá hiện tại chỉ hơn 7.000 đồng/cổ phiếu, sẽ không dễ để Long Giang Land thuyết phục các nhà đầu tư móc hầu bao mua cổ phiếu với giá trên 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, để thu hút nhà đầu tư, Long Giang Land còn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không mấy dễ chịu khi nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng đang muốn chia sẻ túi tiền của nhà đầu tư bằng các đợt phát hành đang và sắp diễn ra.

Công ty cổ phần Đầu tư cao su Quảng Nam (mã VHG, sàn HOSE) đang thực hiện đợt chào bán 75 triệu cổ phần ra công chúng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động 750 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính, bổ sung vốn lưu động, đẩy mạnh triển khai các dự án tiềm năng thông qua đầu tư vào các công ty con.

Nếu phát hành thành công, VHG sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp đôi và đạt 1.500 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp không ít tham vọng và đã tăng vốn rất nhanh trong mấy năm qua. Từ năm 2013, VHG đã tăng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng lên 375 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Năm 2014, công ty này lại tiếp tục tăng vốn gấp đôi từ 375 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu nhằm triển khai các dự án cao su và xây dựng.

Ngoài ra, một “đại gia” khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG, sàn HOSE) cũng sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.492 tỷ đồng lên 3.549 tỷ đồng.

Thực chất, hoạt động phát hành sôi động là những tín hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán. Vấn đề là, trong “cơn mưa” phát hành của các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư sẽ phải suy tính nhiều hơn để lựa chọn đâu là địa chỉ chọn mặt gửi vàng.

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư của mình, ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T cho biết, ngoài các công ty nằm trong ngành hàng nòng cốt thuộc chiến lược đầu tư dài hạn, thì F.I.T vẫn tìm kiếm các cơ hội khác.

Một trong những địa chỉ mà F.I.T đầu tư gần đây là việc mua cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á. Ông Phương cho biết, lý do F.I.T mua cổ phiếu của Nhựa Đông Á vì đây là một doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, chiến lược sản phẩm và thị trường hợp lý…

Tuy nhiên, cũng theo ông Phương, F.I.T không mua khối lượng lớn để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Nhựa Đông Á vì đây là doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng dân dụng, không nằm trong ngành hàng mục tiêu trong chiến lược đầu tư của F.I.T (nông nghiệp, thực phẩm, dược…).

Tin liên quan
Tin khác