Lần đầu bán quyền mua
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa thống nhất lộ trình triển khai phương án chào bán quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước khi thực hiện phát hành tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines được quyền chủ động điều chỉnh các mốc thời gian phù hợp với thời điểm Bộ GTVT phê duyệt phương án bán quyền mua cổ phần.
Bộ GTVT cũng giao người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines vận dụng một số quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 và các quy định pháp luật có liên quan, triển khai thực hiện lựa chọn tổ chức tư vấn thẩm định giá và tổ chức tư vấn xây dựng phương án chuyển nhượng quyền mua cổ phần theo quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn.
“Ủy quyền cho ông Dương Trí Thành, người đại diện phần vốn nhà nước, Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Vietnam Airlines ký hợp đồng với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để tổ chức bán đấu giá quyền mua cổ phần”, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Lần đầu tiên, với tư cách là cổ đông nhà nước, Bộ GTVT tiến hành đấu giá quyền mua số cổ phần tăng thêm khi một doanh nghiệp có vốn góp tăng vốn điều lệ để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trước đó, cuối tháng 7/2017, nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines đã đề nghị tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá và tổ chức tư vấn xây dựng phương án chuyển nhượng quyền mua 57,8 triệu cổ phần theo hình thức chào hàng cạnh tranh theo hình thức rút gọn.
Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình chào bán quyền mua số cổ phần trong tổng số 164,73 triệu cổ phần mà cổ đông Nhà nước được mua, sau khi Đại hội đồng cổ đồng thường niên Tổng công ty năm 2017 thống nhất phát hành thêm 191,191 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Nếu tính theo mệnh giá, đợt phát hành thêm cổ phiếu này có giá trị khoảng 1.911,9 tỷ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu do Vietnam Airlines đề xuất, việc lựa chọn các nhà thầu tư vấn sẽ phải kết thúc vào giữa tháng 9/2017 để cổ đông Nhà nước có trong tay phương án chuyển nhượng quyền mua cổ phần (gồm giá khởi điểm) vào cuối tháng 9/2017. Nếu kế hoạch này không bị vỡ, người đại diện phần vốn nhà nước được ủy quyền sẽ tiến hành các thủ tục công bố thông tin trên website của hãng và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào cuối tháng 10/2017; tổ chức phiên đấu giá vào cuối tháng 11/2017.
Theo Luật Chứng khoán, Vietnam Airlines sẽ có 90 ngày để hoàn thành việc phân phối số lượng cổ phiếu phát hành thêm kể từ ngày giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp có hiệu lực và được phép gia hạn thêm 30 ngày.
Dự kiến, thời điểm chậm nhất để các cổ đông hiện hữu (gồm cả cổ đông chiến lược Nhật Bản - ANA Holdings Inc) sẽ phải nộp tiền mua cổ phần là cuối tháng 12/2017.
Tính khả thi cao
Liên quan đến kế hoạch tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines, vào tháng 5/2017, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã cho phép Bộ GTVT, trong tư cách là cổ đông Nhà nước, sẽ sử dụng toàn bộ số tiền chênh lệch khi xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 1.068,628 tỷ đồng, để thực hiện quyền mua 106,8628 triệu cổ phần và thực hiện thủ tục đấu giá quyền mua 57,867 cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
“Trường hợp không bán được hoặc bán không hết trong thời hạn quy định của phương án phát hành được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, cổ đông Nhà nước sẽ sử dụng nguồn thặng dư từ việc bán cổ phần lần đầu (khoảng 578.678 tỷ đồng) để mua số cổ phần đó”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Các chuyên gia cho rằng, đây là phương án được đánh giá là có tính khả thi cao để hỗ trợ Tổng công ty cơ bản hoàn tất quá trình phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa; đồng thời có cơ hội giảm dần tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines.
Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, hình thức cổ phần hóa Vietnam Airlines là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn với vốn điều lệ 14.101 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, ngoại trừ số cổ phần bán cho tổ chức công đoàn, kết quả bán cổ phần cho các đối tượng khác của Vietnam Airlines khi cổ phần hóa đều không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, số cổ phần chào bán ra công chúng đạt 99,92%; bán cho người lao động đạt 60,35%; bán cho nhà đầu tư chiến lược - ANA Holdings Inc chỉ đạt 38,17%. Quy mô vốn điều lệ do vậy chỉ đạt 12.275 tỷ đồng, thấp hơn 1.826 tỷ đồng so với phương án đề ra; trong cơ cấu cổ đông hiện tại, cổ đông Nhà nước chiếm tới 86,16% vốn điều lệ.
Được biết, sau khi hoàn thành đợt tăng vốn này, quy mô vốn điều lệ của Vietnam Airlines sẽ tăng lên 14.000 tỷ đông, vốn chủ sở hữu tăng lên 16.000 đồng, giúp hãng hàng không quốc gia tăng khả năng tự chủ và mức độ an toàn tài chính, cải thiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (tại thời điểm 31/12/2016 là 4,25 lần); giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của của cổ đông Nhà nước.
Nếu không bán được hoặc bán không hết 57,8 triệu cổ phần, cổ đông Nhà nước vẫn có cơ hội lựa chọn thời điểm thuận lợi để bán cổ phần tại Tổng công ty nhằm mang lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.
“Cổ phiếu của Vietnam Airlines sẽ được thị trường đánh giá cao hơn khi Tổng công ty triển khai niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, dự kiến vào đầu năm 2018”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhận định.