Đầu tư vào ESG là “mệnh lệnh”
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, đổi mới và tư vấn (RICH), Hiệp hội Truyền thông Kỹ thuật số Việt Nam (VDCA) và Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Singapore (ATIS) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Vietnam Business Exchange” tại TP.HCM.
Theo bà Betty Pallard, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại kết nối Năng Lực (Link Power), đầu tư vào ESG không đơn thuần là sự lựa chọn mà là mệnh lệnh bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt để hội nhập thị trường quốc tế. Ưu tiên ESG không chỉ phù hợp với các mục tiêu bền vững toàn cầu mà còn là chìa khóa để thu hút nhiều khách hàng hơn và đảm bảo có thêm đơn đặt hàng.
Hiện nhiều doanh nghiệp đang tích cực nỗ lực giảm lượng khí thải carbon bằng cách triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, kéo dài tuổi thọ sản phẩm… Điều này liên quan đến việc đánh giá các hoạt động môi trường của nhà cung cấp, giảm chất thải trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy tìm nguồn cung ứng bền vững.
Bà Solene Willaume, Giám đốc Công ty TNHH Lys Energy Việt Nam thông tin, Lys là một trong những tập đoàn sản xuất năng lượng tại Singapore và đang mở rộng quy mô trong khu vực châu Á với Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Sau khi hoạt động tại Việt Nam được 3 năm, Lys đang tìm kiếm các nhà sản xuất đồ dùng nội thất, dệt may… có những tuân thủ về năng lượng, chuyển đổi lò hơi từ than đá sang sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên thế giới.
“Hiện tại, chúng tôi mới bắt đầu thực hiện theo tiêu chuẩn ESG thông qua việc đầu tư một phòng ban về ESG với nhân sự giàu kinh nghiệm. Những hoạt động tại phòng ban này đều sẽ đưa vào báo cáo, kiểm định từ các tổ chức uy tín trên thế giới”, bà Solene Willaume chia sẻ.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc tế “Vietnam Business Exchange”. |
Về phía Công ty cổ phần Hà Nam Group, CEO Thái Trần cho biết, luật pháp Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể về ESG nên về lý thuyết, doanh nghiệp chưa cần thực hiện. Tuy nhiên, nếu không tuân theo, khi khách hàng lựa chọn dựa trên tiêu chí về ESG, doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng trong tương lai.
Nâng cao khả năng tiếp cận
Cũng theo ông Thái Trần, doanh nghiệp cần tự tính toán lượng dấu chân carbon từ nhà máy đến các hoạt động liên quan là bao nhiêu, xem xét vị trí của bản thân ở đâu, định vị trong 10 năm tới ra sao, lượng năng lượng tiêu thụ là như thế nào… Từ đó, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được những giải pháp phù hợp để kiểm soát mức độ tiêu thụ này năng lượng.
“Khi đầu tư vào ESG thì đều quan trọng nhất là tính minh bạch. Các đầu tư muốn có thể kiểm tra, theo dõi quá trình sản xuất, lắp ráp... của doanh nghiệp, để đảm bảo dự án họ đầu tư tuân thủ được ESG và một số vấn đề khác”, ông Thái Trần chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Hoàng Khoa, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Hệ sinh thái nông nghiệp Koina, tiêu chuẩn ESG trở thành bắt buộc cho các doanh nghiệp thực phẩm và đây là một trong những thách thức cho các doanh nghiệp hiện nay. Vì việc lồng ghép cũng như kết hợp những tiêu chí này vào quá trình phát triển nông nghiệp vẫn còn đang nằm trên giấy tờ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng liên quan đến ESG dành cho doanh nghiệp nông nghiệp còn đang bỏ ngỏ...
Vì vậy, ông Thái khuyến nghị, Nhà nước cần khuyến khích những sáng kiến mang tính sáng tạo, tạo ra các giải pháp về công nghệ nhằm áp dụng hiệu quả cho các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tương lai.