Thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh: H.A |
Đẩy mạnh giải ngân
Có một điểm rất mới trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, là ngay từ đầu năm, chuyện “xin trả lại vốn”, “xin điều chuyển vốn” đã diễn ra.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 2/2024, có 5 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương đề xuất điều chỉnh giảm 1.520,7 tỷ đồng để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan và địa phương khác có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngược lại, có 4 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương đề xuất bổ sung 9.650,8 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Những năm trước, chuyện rà soát, điều chuyển vốn thường được thực hiện từ cuối quý III, thậm chí là tận cuối năm, khi các bộ, ngành, địa phương xét thấy không thể kịp phân bổ, giải ngân vốn kế hoạch năm. Cập rập vào cuối năm, nên đã có tình trạng vốn được thể điều chuyển, thậm chí bị hủy vốn.
Bằng chứng là cuối năm ngoái, hơn 3.700 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023 đã bị hủy. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các bộ, ngành, địa phương, do “đã quá thời gian điều chỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, ngay từ đầu năm nay, công tác rà soát, điều chuyển vốn đã được các bộ, ngành, địa phương rốt ráo thực hiện. Chính phủ cũng đã ngay lập tức chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Việc này đảm bảo nguồn lực vừa không bị “bỏ phí”, vừa có thời gian để chủ động điều chuyển vốn, mà các địa phương nhận vốn bổ sung cũng có thời gian để giải ngân.
Hiện tại, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 2/2024, vẫn còn 33.500 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024 chưa được phân bổ chi tiết. Ngoài số vốn hơn 1.520 tỷ đồng được đề nghị điều chuyển, thì số còn lại, các bộ, ngành, địa phương đều xin giữ lại để phân bổ tiếp trong thời gian tới.
“Chúng tôi đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương này đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết, để kịp thời giải ngân trong năm 2024”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Năm 2024, công tác phân bổ vốn cũng đã được đẩy nhanh. Công tác giải ngân cũng vậy. Vì thế, 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, bằng 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn con số 6,97% của cùng kỳ năm 2023.
Dù con số là tích cực, song thực tế, tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt kỳ vọng. Đến nay, vẫn còn 29 bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ mới đây chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn ngân sách nhà nước năm 2024.
“Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tiếp tục coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực ‘tăng tốc’ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tăng tốc phục hồi kinh tế
Dễ hiểu vì sao, Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công chính là động lực để “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Lý do là, trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, đầu tư công là động lực mà Việt Nam có thể chủ động “thúc đẩy mạnh mẽ” và “làm mới” nhất.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, trước hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn (gần 63.000 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ), dư nợ tín dụng giảm 1,12% so với cuối năm 2023, sức cầu của nền kinh tế còn yếu (2 tháng, sau khi trừ đi yếu tố giá cả, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5% so với cùng kỳ)…, Thủ tướng đã chỉ đạo phải “thúc đẩy mạnh mẽ” và “làm mới” các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…
Trong bối cảnh cả thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang ở mức yếu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chính là cách để Việt Nam tăng tốc phục hồi kinh tế. Chính vì vậy, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2024, vừa được ban hành tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đôn đốc giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
“Chúng tôi kỳ vọng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 6%, cao hơn mức 5% năm ngoái, tạo đà cho Việt Nam lấy lại xu hướng tăng trưởng trước Covid-19. Động lực tăng trưởng chính sẽ là dòng vốn đầu tư nước ngoài, du lịch và tâm lý người tiêu dùng phục hồi”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC nói.
Chìa khóa tăng trưởng, thậm chí là động lực tăng trưởng mới đang nằm ở khu vực đầu tư nước ngoài và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)...
Để khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung nghiên cứu, đề xuất, triển khai sớm các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn và AI; cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, sớm trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, điều chế hydrogen và amoniac xanh.