Thưa ông, năm APEC đã bắt đầu với những sự kiện đầu tiên. Cộng đồng kinh doanh Việt Nam hẳn không thể bỏ qua cơ hội quảng bá với các nền kinh tế, các CEO hàng đầu thế giới sẽ có mặt tại Việt Nam?
Ngay từ khi VCCI được Chính phủ giao chủ trì các sự kiện, hoạt động liên quan đến cộng đồng kinh doanh, chúng tôi đã xác định rõ, sự hưởng lợi từ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 chính là giá trị gia tăng của năm APEC mà Việt Nam ở vai chủ nhà; cộng đồng kinh doanh Việt Nam sẽ hưởng lợi gì từ các hoạt động chính thức của APEC 2017; sẽ kết nối với các CEO hàng đầu thế giới thế nào, bằng cách nào?…
Ông Vũ Tiến Lộc |
Ở góc độ doanh nghiệp, rõ ràng, APEC 2017 không chỉ là cơ hội quảng bá cho doanh nghiệp Việt Nam một cách thuần túy. Các hoạt động, sự kiện đều được xây dựng để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia trực tiếp, mở rộng tầm nhìn, xây dựng quan hệ kinh doanh ở tầm cao, tranh thủ các ý tưởng sản xuất, kinh doanh, tác động chính sách…
Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được gì trong các sự kiện này?
Đơn cử, tại CEO Summit hay cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC và thành viên APEC, các vấn đề về xu hướng chính sách kinh tế toàn cầu, các xu hướng quản trị doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… sẽ được bàn luận.
Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia thảo luận, tiếp cận để có tầm nhìn chiến lược cho chính mình, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là yêu cầu quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam không bị bỏ lại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng tôi cũng kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong các sự kiện này.
Bên cạnh đó, giới kinh doanh Việt Nam cũng đang nghiên cứu để tranh thủ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của APEC, như Chương trình Hành động Boracay hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia thị trường toàn cầu 2015 - 2020; Chương trình Thẻ đi lại doanh nhân APEC (ABTC); Chương trình Đào tạo doanh nghiệp trong các lĩnh vực đặc thù (an toàn hàng xuất khẩu, công nghệ dịch vụ hậu cần mới, an ninh tài chính, chuỗi cung ứng…)…
Cũng phải nhắc lại, hỗ trợ doanh nghiệp là một trong 3 trụ cột hợp tác chính của APEC, thưa ông?
Vấn đề là sự chủ động của nước chủ nhà, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác giá trị gia tăng từ các chương trình này. Đây là lý do mà VCCI đã đề nghị tổ chức Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam. Thông điệp chúng tôi muốn đưa ra là, Việt Nam không chỉ là một đất nước, mà còn là một điểm đến kinh doanh.
Trước đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai từng có câu nói nổi tiếng: “Việt Nam là một đất nước, chứ không phải là một cuộc chiến”. Chúng tôi muốn phát triển thông điệp này trong năm nay.
Chúng tôi đã đề nghị 63 tỉnh, thành phố cùng vào cuộc, để APEC 2017 là cơ hội xúc tiến thương mại, đầu tư cho các địa phương trong cả nước, chứ không chỉ là những địa phương có tổ chức sự kiện.
VCCI đang làm việc với các đối tác quốc tế xây dựng bộ tài liệu xúc tiến đầu tư cho các tỉnh theo chuẩn mực quốc tế, để các nhà đầu tư, các CEO hàng đầu đến Việt Nam sẽ trả lời được câu hỏi tại sao họ nên chọn Việt Nam để đầu tư - kinh doanh, mà không cần phải đến từng địa phương.
Trong sự kiện này, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các cuộc làm việc song phương theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi đang liên hệ để mời các nhân vật nổi tiếng thế giới trong giới khởi nghiệp đến nói chuyện với giới khởi nghiệp Việt Nam. Một diễn đàn doanh nhân nữ APEC cũng sẽ được tổ chức.
Tùy từng điều kiện kỹ thuật, chúng tôi sẽ thực hiện trực tuyến các sự kiện nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận cho cộng đồng kinh doanh Việt Nam.
Tôi cũng nhắc lại, sau APEC 2006 mà Việt Nam là chủ nhà, nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng kinh doanh Việt Nam đã có xung lực mới để phát triển. Lần này, chúng tôi kỳ vọng cộng đồng kinh doanh Việt Nam sẽ bước vào nền kinh tế thế giới với những chuẩn mực cao hơn.