Ngân hàng - Bảo hiểm
Chủ tịch Agribank: Ngân hàng big 4 bị phạt thuế “oan”, kiến nghị lập CIC cho chứng khoán
T.L - 07/11/2024 10:44
Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐTV Agribank cảnh báo quy mô cho vay cầm cố trên thị trường chứng khoán ngày càng lớn, nhưng chưa có trung tâm thông tin tín dụng để cảnh báo rủi ro cho các công ty chứng khoán.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội), Chủ tịch HĐTV Agribank.

Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng nay (7/11) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội), Chủ tịch HĐTV Agribank chỉ ra một số bất cập trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, hiện nay, các ngân hàng thương mại nhà nước đang có một số vướng mắc liên quan đến việc kiểm toán báo cáo tài chính.

Cụ thể, hoạt động của ngân hàng thương mại có đặc thù liên quan tới hoạt động trích lập dự phòng rủi ro. Theo quy định, các ngân hàng phân loại nợ theo 5 nhóm, mỗi nhóm lại có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khác nhau (từ 0% với nợ nhóm I đến 100% với nợ nhóm V). Chi phí trích lập dự phòng được tính vào chi phí hoạt động và ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.

Thực tế, việc trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng không chỉ mang yếu tố định lượng, mà còn có cả yếu tố định tính. Điều này dẫn tới trường hợp một số khoản nợ được ngân hàng thương mại xác định nhóm này, nhưng kiểm toán lại xác định nhóm khác, dẫn tới tỷ lệ trích lập dự phòng khác nhau, kéo theo chi phí và lợi nhuận sẽ tăng hoặc giảm trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Thông thường, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán ngân hàng thương mại nhà nước hai năm một lần, tức khi ngân hàng thương mại đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Trong trường hợp ngân hàng bị giảm lợi nhuận sau kiểm toán, phần thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp thừa sẽ được chuyển sang năm sau. Tuy nhiên, trong trường hợp ngân hàng tăng lợi nhuận thì ngân hàng thương mại nhà nước ngoài nộp bổ sung còn phải chịu phạt nộp chậm thuế.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, việc bị nộp phạt thuế này “hơi oan” cho ngân hàng thương mại nhà nước, vì ngân hàng không cố tình làm sai hoặc chậm nộp thuế, mà chỉ do quan điểm khác nhau giữa ngân hàng và kiểm toán trong phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định không phạt chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp điều chỉnh tăng lợi nhuận theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước (Bổ sung vào Điều 59 Luật Quản lý thuế).

Đối với lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Phạm Đức Ấn cảnh báo quy mô thị trường cho vay cầm cố hiện khá lớn (thống kê mới nhất của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán - đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt hơn 228.000 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2024) và cần thêm công cụ quản trị rủi ro.

Theo đại biểu, các ngân hàng thương mại đã có Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng vay, trong khi công ty chứng khoán chưa có mô hình tương tự. Điều này dẫn tới một khách hàng có thể vay tại nhiều công ty chứng khoán, trong trường hợp khách hàng này bị một công ty chứng khoán bán giải chấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nợ tại các công ty chứng khoán còn lại. Vì vậy, rất cần một công ty thông tin tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán (tương tự CIC) để giúp các công ty chứng khoán quản trị rủi ro tốt hơn.

Tin liên quan
Tin khác