Xin ông chia sẻ mục đích, ý nghĩa chính của chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu 2018?
Chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững” là sự kiện kinh tế - chính trị quy mô lớn, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, với kỳ vọng đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư để phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới.
Ông Dương Thành Trung, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu |
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm tái lập, tỉnh Bạc liêu tổ chức một sự kiện chuyên đề về xúc tiến đầu tư với quy mô lớn, nhằm mục đích quảng bá hình ảnh, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhấn mạnh các cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Qua đó, tạo thêm sức thu hút mạnh mẽ các nguồn ngoại lực, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, kết hợp với nguồn nội lực trong tỉnh, để phát triển Bạc Liêu một cách bền vững.
Chuỗi sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu trong tình hình mới?
Bạc Liêu là tỉnh còn nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa không đồng bộ, cơ cấu kinh tế nặng về nông nghiệp, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Hiện nay, tổng giá trị GRDP và thu nhập bình quân đầu người của Bạc Liêu còn thấp so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nỗi trăn trở rất lớn của các thế hệ lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu.
Một góc trung tâm TP. Bạc Liêu. |
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu “phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (năm 2020), đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và trung bình khá của cả nước” Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV đề ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu xác định, bên cạnh việc phát huy nội lực, cần chú trọng thu hút ngoại lực và kết hợp chặt chẽ hai nguồn lực này để tạo động lực cho sự phát triển.
Theo đó, cần mạnh dạn đổi mới tư duy, cách làm, chọn đúng khâu đột phá, chủ động thu hút đầu tư, trong đó, đặc biệt chú trọng mời gọi các doanh nghiệp “đầu đàn”, có thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm, nhân lực và tài chính, để nhanh chóng tạo tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung nêu trên, tỉnh Bạc Liêu quyết định tổ chức chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư năm 2018 với sự chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng. Từ năm 2017, tỉnh đã tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp; làm việc với hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các lãnh sự, cơ quan ngoại giao; tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành phố bạn.
Đặc biệt, Bạc Liêu tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là khâu cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đâu là điểm nhấn trong định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh Bạc Liêu thời gian tới, thưa ông?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, định hướng xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và chấp thuận cho rút Nhà máy Nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, cho phép tỉnh chủ động lựa chọn các dự án nguồn điện khác thay thế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, tiếp cận, đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh tăng mạnh cả về số lượng, chất lượng và quy mô dự án đăng ký đầu tư.
Thu hoạch tôm theo mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn, ít thay nước |
Tôi muốn nhấn mạnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, biến điểm yếu thành thế mạnh. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, để giảm các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng tăng, Bạc Liêu đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm phụ thuộc vào sử dụng nước ngọt, chuyển dần sang thích ứng với nước lợ và nước mặn, và con tôm là lựa chọn hàng đầu. Việc lựa chọn con tôm, kết hợp với triển khai ứng dụng công nghệ cao trong ngành tôm, đã mở ra rất nhiều triển vọng, tạo dư địa phát triển lớn, qua đó thu hút đầu tư mạnh vào ngành tôm.
Vị trí cách xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước của Bạc Liệu, theo cách đánh giá thông thường, sẽ là một bất lợi. Song với tư duy mới, tỉnh Bạc Liêu đã nhìn ra lợi thế từ một khía cạnh khác. Trong vòng bán kính 60 km, Bạc Liêu chính là trung tâm của các đô thị lân cận như thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), thành phố Cà Mau (tỉnh Càu Mau), thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và một phần của tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là vùng có tốc độ phát triển kinh tế khá tốt, tổng dân số khoảng 3 triệu dân, nên trong tương lai gần, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giáo dục - đào tạo sẽ gia tăng. Vì vậy, tỉnh Bạc Liêu định hướng thu hút mạnh đầu tư để phát triển thành trung tâm y tế, giáo dục chất lượng cao của khu vực.
Tỉnh Bạc Liêu đặt kỳ vọng gì từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2018?
Hội nghị Xúc tiến đầu tư là một phần của chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu 2018, sự kiện kinh tế - chính trị có quy mô lớn của tỉnh.
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, đã có hơn 50 nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm tiếp cận, đăng ký đầu tư một cách nghiêm túc, thực chất trên hầu hết các lĩnh vực mời gọi đầu tư của tỉnh, với tổng số vốn đăng ký trên 110 ngàn tỷ đồng. Đối với một tỉnh nghèo, đang cần huy động nguồn lực để phát triển như Bạc Liêu, đây là kết quả khả quan và đầy hứa hẹn; trong đó, nhiều dự án quan trọng có thể trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Tỉnh Bạc Liêu cam kết nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời những kiến nghị, vướng mắc của nhà đầu tư với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng đồng hành phát triển lâu dài với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng, qua chuỗi sự kiện Xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Bạc Liêu sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, có tâm huyết và chiến lược, để cùng nhau hợp tác, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển của tỉnh, hướng tới sự phát triển bền vững.
Với định hướng phát triển rõ ràng, quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, mục tiêu đưa Bạc Liêu đứng vào tốp khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.
Phát triển nông nghiệp, trọng tâm là thủy sản, nhất là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời kết hợp với sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao giá trị nông sản;
Phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời);
Phát triển du lịch với định hướng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh;
Phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại dịch vụ - giáo dục đào tạo - y tế chất lượng cao.