Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, cấm xe máy chỉ là ý kiến cá nhân của Giám đốc Sở GTVT chứ chưa phải ý kiến chính thức của UBND thành phố |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Chung, với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người Việt Nam thì xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu, chiếm tỷ lệ rất lớn.
“Trên địa bàn thành phố hiện nay có gần 6 triệu xe máy, vì vậy, giải quyết cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế vào khu vực nào phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng”, ông Chung nói.
Chưa kể, toàn bộ phương án này phải được công bố công khai cho người dân, tạo sự đồng thuận dựa trên cơ sở nền tảng là thành phố phải phát triển được đủ phương tiện công cộng để cho người dân đi lại. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ đánh giá lại toàn bộ và sẽ công khai tất cả những nội dung này”, ông Chung nói thêm.
Ông Chung cũng nhấn mạnh, phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có tác phong, thói quen khi di chuyển trong phạm vi từ 1 – 1,5 km đổ lại thì nên đi bộ.
Trước đó, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Giao thông Vận tải ngày 9/3, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu trình lãnh đạo UBND, HĐND thành phố 2 đề án. Đầu tiên là đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Trong lộ trình có đề cập tới việc dừng đăng ký xe máy mới.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đang đề xuất lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi – Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, vị Giám đốc Sở này cũng không quên nhấn mạnh, việc thí điểm dừng hoạt động của xe máy tại 2 tuyến đường nêu trên không tiến hành nóng vội mà sẽ được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, đảm bảo điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân ở khu vực liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng.