Đầu tư
Chủ tịch Kocham hiến kế cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam
Hồng Phúc - 07/03/2022 16:12
Ông Shon Young IL, Chủ tịch Kocham đưa ra một số đề xuất giúp mối hợp tác giữa cơ quan Nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hiệu quả hơn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Shon Young-IL, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho rằng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như SK, LG và Lego vẫn đang tỏ ra rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, thông qua việc công bố kế hoạch đầu tư của họ.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Hàn Quốc và Việt Nam trong một thời gian ngắn đã và đang tạo ra những thành quả đáng ngạc nhiên trong quan hệ đối tác kinh tế

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2021, có hơn 9.200 dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế lên đến 74,7 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu do Covid-19.

“Để đà tăng trưởng ngày càng phát triển hơn nữa, tôi nghĩ rằng, việc thu hút thêm các doanh nghiệp FDI là chìa khóa then chốt”, ông Shon Young-IL nói và đề xuất những hình thức hợp tác hiệu quả hơn giữa cơ quan Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để cải thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. 

Ông Shon Young-IL, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Ảnh: Thu Cúc).

Đầu tiên, vị này đề xuất áp dụng hệ thống “Thanh tra đầu tư nước ngoài” như ở Hàn Quốc để xử lý các khó khăn mà các doanh nghiệp FDI gặp phải. 

Hệ thống “Thanh tra đầu tư nước ngoài” của Hàn Quốc được thành lập năm 1999 nhằm phát hiện, giải quyết hiệu quả những khó khăn mà các doanh nghiệp FDI đối mặt, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài. 

“Thanh tra đầu tư nước ngoài” do Tổng thống bổ nhiệm, cùng với các chuyên gia trong từng lĩnh vực như tài chính, thuế, pháp luật và lao động, thông qua hợp tác với chính quyền trung ương và địa phương của Hàn Quốc.

Vướng mắc của các doanh nghiệp FDI được tiếp nhận bằng cách thông qua chuyên gia đến thăm thực địa, trực tuyến, e-mail…Sau khi nhận được vướng mắc sẽ xem xét nội dung và chuyển đến cơ quan liên quan để giải quyết. 

Các vướng mắc này được nhập và quản lý trong hệ thống quản lý khách hàng của cơ quan liên quan, kết quả giải quyết cuối cùng sẽ được thông báo cho doanh nghiệp. 

Như vậy, việc giải quyết vướng mắc của “Thanh tra đầu tư nước ngoài” được vận hành tích cực và hiệu quả bằng cách đến trực tiếp doanh nghiệp khi cần thiết để tìm hiểu sâu vấn đề, thay vì chỉ nhận phản hồi từ bộ phận và thay mặt doanh nghiệp thảo luận ý kiến với cơ quan liên quan.

Ngoài ra, văn phòng luôn thông báo cho doanh nghiệp qua từng bước của quy trình giải quyết và nhận các câu hỏi khác bất cứ lúc nào.

Ông Shon Young-IL cho biết, những nỗ lực như vậy đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Hàn Quốc.

Và hơn nữa, bằng cách giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp, cùng với vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, ngăn ngừa trước các tranh chấp giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Chính phủ, hệ thống này đang đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài tại Hàn Quốc. 

Thêm vào đó, “Thanh tra đầu tư nước ngoài” đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế như APEC và đã trở thành mô hình chuẩn ở nhiều quốc gia như Nga và Brazil. 

Công nhân Việt Nam làm việc trong nhà máy Samsung (Ảnh: Đức Thanh).

Hiện nay, Việt Nam có nhiều kênh để các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp FDI có thể trao đổi những khó khăn và kiến nghị.

Tuy nhiên, ông Shon Young-IL đánh giá, thực tiễn việc trả lời thường bị chậm và có nhiều trả lời không rỏ ràng, việc quản lý theo dõi không được thực hiện.

Ngoài ra, không có quy định về cách thức tiếp nhận và xử lý các vướng mắc, làm gia tăng sự nhầm lẫn của doanh nghiệp. 

Vì vậy, việc đưa hệ thống trên vào áp dụng được cho là cần thiết nhằm kịp thời thu thập các vướng mắc, đề xuất phương án cải thiện chính sách và hỗ trợ thực hiện tất cả các công việc cần thiết cho việc giải quyết các vướng mắc và quản lý theo dõi tiến trình giải quyết. 

“Tôi chắc chắn rằng, điều này sẽ không chỉ làm tăng độ tín nhiệm đối với Chính phủ Việt Nam, mà còn góp phần mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài”, Chủ tịch Kocham chia sẻ.

Ngoài ra, đại diện Kocham và một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn đề xuất việc thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại quy mô nhỏ giữa các cơ quan Chính phủ - các doanh nghiệp FDI và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để lắng nghe những khó khăn của các doanh nghiệp FDI và mở rộng giao tiếp. 

Các cuộc họp hai chiều giữa các cơ quan, bộ phận liên quan và doanh nghiệp FDI, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi về những khó khăn, vấn đề hiện tại, cùng nhau thảo luận trực tiếp, cũng như tạo cơ hội để giao lưu và trao đổi trực tiếp giữa những người thực thi cần được tổ chức thường xuyên hơn. 

Thông qua các buổi tọa đàm cụ thể, các quy định và thông tin chi tiết sẽ được chia sẻ với các doanh nghiệp, đồng thời nhanh chóng có được những giải đáp thiết thực cho những khó khăn, vướng mắc.

Tin liên quan
Tin khác